Từ 2020, thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa nghe báo cáo đề án thu phí ô tô vào trung tâm sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa đề án cũ của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong. 

Theo đề án mới, đơn vị đầu tư đã hoàn thiện hơn kế hoạch thu phí hiện đại, mở rộng địa bàn thu. Điểm mới trong đề án lần này là chủ đầu tư sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR).

Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ô tô mỗi giờ trên một làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước.

Đề án được điều chỉnh lên 1.660 tỉ đồng (giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỉ đồng) với nhiều giai đoạn. 

Ở giai đoạn đầu, đơn vị sẽ bắt đầu xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP.HCM vào năm 2019. Trung tâm điều hành sẽ kết nối các cổng, xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.

Ô tô ken đặc trên một góc đường của TP.HCM. Ảnh: MP

Giai đoạn tiếp theo sẽ xây bổ sung ba cổng trên các tuyến ùn tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa khi TP đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh...

Theo báo cáo, hiện có đến 60%-70% ô tô “mượn” đường Trường Sơn chứ không đi vào sân bay Tân Sơn Nhất nên đề án bổ sung trạm thu phí ở đầu đường này, thu tiền trước. Nếu xe nào vào sân bay thì khi ra cổng kiểm soát sẽ được hoàn tiền, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay.

Về thu phí, đơn vị lập đề án xây dựng ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6 giờ đến 17 giờ là 30.000-50.000 đồng tùy loại xe; kiến nghị giảm phí cho taxi và người dân sống trong khu vực trung tâm.

Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị đầu tư sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các sở, ban, ngành và chuyên gia giao thông. Dự kiến năm 2020, đề án sẽ hoạt động cùng thời điểm với tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.

Hồi năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó bị ngưng.

Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.

Theo Sở GTVT, đây là giải pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM. Dự án sẽ được báo cáo với UBND TP.HCM trong thời gian tới nhằm sớm đưa vào áp dụng.

Giao thông TP.HCM đang gặp nhiều thách thức

Sáng 18-9, tại TP.HCM, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ GTVT và UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á lần thứ 12 (EASTS 12). 

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết GTVT tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Kết cấu hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn, nhu cầu về vốn phát triển giao thông rất lớn nhưng đang gặp khó khăn trong huy động. Các công trình giao thông tại Việt Nam có công trình chất lượng chưa cao, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, xuất hiện thêm các điểm ùn tắc mới…

Ông Đông nói: “Những nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị là những đóng góp có giá trị đối với việc đề xuất các giải pháp phát triển GTVT bền vững, đặc biệt là nâng cao ATGT, giải quyết những vấn đề cấp thiết về GTVT mà các quốc gia thành viên của hiệp hội đang phải đối mặt.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay: “TP.HCM sẽ không trở thành trung tâm lớn nếu như không có hệ thống giao thông thông suốt. Đây là dịp chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để giải quyết các vấn đề giao thông, quản lý giao thông cá nhân, quyết tâm xây dựng TP.HCM xanh, an toàn, tích hợp…”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm