Từ vụ Honda CR-V bị bó cứng phanh khi sử dụng chế độ Cruise Control, chúng ta cần có những kinh nghiệm xử lý xe chạy trên cao tốc.
Thông thường, tốc độ giới hạn trên cao tốc sẽ cao hơn trong thành phố và khu vực nông thôn. Cụ thể, giới hạn tốc độ trên đường cao tốc lên đến 120 km/h, trong khi giới hạn tốc độ cho phép trong thành phố dao động từ 50 đến 60 km/h. Đây là mức độ cho phép theo quy định tại Việt Nam.
Đã có 6 trường hợp Honda CR-V bị lỗi Cruise Control. Ảnh: Internet.
Đồng thời, tài xế phải giữ khoảng cách an toàn. Mặc dù trên một số dòng xe hiện đại như hiện nay, đa số đều được trang bị công nghệ tiên tiến như Hệ thống Chống bó cứng Phanh (ABS) và Hệ thống Cân bằng Điện tử (ESP) có khả năng hỗ trợ các tình huống phanh gấp và đồng thời đánh lái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên duy trì khoảng cách hợp lý để đảm bảo có thời gian và không gian kịp thời phản ứng.
Để đảm bảo an toàn, tài xế cần phóng tầm mắt càng xa càng tốt để có thể nhận biết được các phương tiện khác đang diễn ra. Nếu tầm nhìn bị cản trở do thời tiết xấu hoặc một phương tiện lớn đi phía trước như xe tải hoặc xe buýt, bạn nên giữ khoảng cách thậm chí xa hơn bình thường. Cần lưu ý di chuyển cùng chiều với xe tải có kích thước lớn, ví dụ tránh điểm đen xe tải.
Luôn giữ khoảng cách an toàn với các xe đi cùng chiều trên cao tốc. Ảnh: Internet.
Tài xế cần nhớ phải tuân thủ chặt chẽ các biển báo “cấm vượt” để có thể di chuyển an toàn. Trường hợp, tài xế cần vượt xe cùng chiều, phải nhớ kỹ ba thao tác sau: “Nhìn gương, ra tín hiệu, di chuyển”. Trước tiên, kiểm tra gương để quan sát tình hình giao thông phía sau hoặc bên cạnh xe. Sau đó, ra hiệu bằng đèn tín hiệu và di chuyển một cách an toàn. Các tài xế cũng nên quay đầu lại kiểm tra điểm mù để tránh va chạm. Hiện nay, trên một số dòng xe cũng được trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù, rất thuận lợi cho tài xế.
Ngoài ra, các phương tiện thường lưu thông với tốc độ cao trên đường cao tốc, chính vì vậy việc dừng xe giữa đường là vô cùng nguy hiểm và được khuyến cáo là không nên thực hiện. Nếu cần dừng lại, hãy tìm lối ra gần nhất và một nơi an toàn để tấp vào. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp chẳng hạn như gặp vấn đề với xe cộ, hãy cố gắng lái xe vào lề đường bên phải và ra khỏi luồng giao thông trước khi dừng lại. Bật đèn dừng khẩn cấp và đặt biển cảnh báo nguy hiểm khoảng 50 mét phía sau xe của bạn để cảnh báo cho những xe phía sau. Ngoài ra, bạn phải luôn có một danh sách liên lạc trong xe bao gồm số điện thoại của các trung tâm dịch vụ khẩn cấp tại nơi mình di chuyển.
Khi bạn đang sở hữu một chiếc Honda CR-V cũng cần lưu ý một số kỹ năng khi gặp rắc rối với hiện tượng bó cứng phanh. Một số dấu hiệu sẽ xuất hiện như các đèn báo lỗi trên màn hình (Check System), chân phanh rất nặng. Lúc này, tài xế cần bình tĩnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể, tài xế vẫn dậm phanh, bật đèn khẩn cấp và cho xe giảm tốc từ từ để tấp vào lề nhằm bảo đảm an toàn.