Được khởi xây vào năm 1173, nhưng phải đến năm 1372 thì tòa tháp mới chính thức được hoàn thành. Ngay trong khi đang xây, tòa tháp đã bắt đầu nghiêng vì lún. Để ổn định cấu trúc tháp không tiếp tục chao nghiêng, một số biện pháp địa kỹ thuật đã được xúc tiến, giữ cho tháp ở nguyên hiện trạng.
Tháp nghiêng Pisa thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ảnh: AFP
Qua mấy trăm năm lịch sử, đã nhiều lần các nhà kiến trúc sư e ngại rằng tháp sẽ bị sụp đổ hoàn toàn bởi thiên tai động đất. Kể từ năm 1280, đã có bốn trận động đất cực mạnh xảy ra ở khu vực nhưng Pisa vẫn ngang nhiên đứng vững. Điều gì đã khiến tòa tháp cao 58m, và nghiêng một góc 5 độ này trường tồn đến hôm nay?
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra, đó chính là đất. Từ khi khởi công, chính mảnh đất gây ra sự bất ổn định của tòa tháp lại là lý do để tòa tháp đứng vững đến hôm nay. Ngoài ra, chiều cao 58m, và cấu trúc tường làm bằng đá cẩm thạch cực cứng đã tạo nên một tổng thể điều chỉnh các thuộc tính rung của toà tháp khiến nó không còn cộng hưởng với chuyển động của mặt đất trong suốt các trận động đất.
Chính cấu tạo đất khu vực tháp nghiêng đã giúp nó đứng vững sau bao nhiêu trận động đất. Ảnh: EPA
"Thật trớ trêu khi cũng chính loại đất gây nên sự nghiêng bất ổn định và khiến tháp đứng bên nguy cơ sụp đổ, lại đáng được cảm ơn vì đã giúp nó sống sót qua các sự kiện địa chấn kia" - George Mylonakis, một trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Giáo sư Camillo Nuti tại Đại học Roma Tre cùng một nhóm 16 người khác, đã làm việc trong nhiều năm để tìm ra nguyên lý đặc biệt này. Kết quả nghiên cứu này vừa được trình bày tại hội thảo quốc tế và sẽ chính thức công bố tại Hội nghị Kỹ thuật động đất diễn tại Thessaloniki, Hy Lạp vào tháng tới.