Video: Nhật ra lệnh hủy tên lửa đẩy vệ tinh sau khi phóng 14 phút

(PLO)- Hôm 7-3, tên lửa đẩy thế hệ mới H3 của Nhật đã buộc phải tự hủy sau khi phóng 14 phút.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 7-3, tên lửa đẩy thế hệ mới H3 của Nhật đã buộc phải tự hủy sau khi phóng 14 phút. Quyết định tự hủy được đưa ra sau khi Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật (JAXA) kết luận rằng nhiệm vụ phóng H3 không thể thành công, theo tờ The Japan Times.

Tên lửa đẩy H3 phải tự hủy vì sự cố động cơ. Nguồn: THE GUARDIAN

"Nhà chức trách cho rằng tên lửa không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì vậy, họ đã gửi đi lệnh tự hủy", một nhà bình luận về vụ phóng cho biết. Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân dẫn đến việc ra lệnh tự hủy là do động cơ của tên lửa không thể đánh lửa khi bay vào vũ trụ.

Tên lửa H3 cao 57 m, cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima của JAXA. H3 mang theo ALOS-3, một vệ tinh quan sát mặt đất và quản lý thảm họa được trang bị cảm biến hồng ngoại thử nghiệm. Vệ tinh ALOS-3 được thiết kế để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Với giá 5 tỉ yen (37 triệu USD), tên lửa H3 có giá chỉ bằng một nửa so với tên lửa tiền nhiệm nhưng có khả năng mang theo vệ tinh nhanh gấp 1,3 lần.

Theo GS Ông Hirotaka Watanabe về chính sách vũ trụ tại ĐH Osaka, “không giống như lần hủy và hoãn lại trước đó, lần này là một thất bại hoàn toàn” và "điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến chính sách vũ trụ và khả năng cạnh tranh công nghệ trong tương lai của Nhật".

Sau khi vụ phóng thất bại, cổ phiếu của Mitsubishi Heavy Industries - nhà chế tạo H3 - đã giảm 1,8% trong phiên giao dịch sáng 7-3.

Theo Reuters, vào tháng 2, Nhật đã tuyên bố hủy bỏ một vụ phóng tên lửa. Trước đó, vào tháng 10-2022, tên lửa Epsilon-6 của JAXA cũng nhận được lệnh tự hủy, chỉ vài phút sau khi cất cánh vì đi chệch khỏi quỹ đạo dự kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm