Vinh danh HLV Mai Đức Chung và tinh thần U-22 Việt Nam

Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) giải thưởng Fair Play - Bóng đá cao thượng 2019 đồng tình tuyệt đối với đề cử vinh danh ông Mai Đức Chung về những cống hiến từ nghề cầu thủ cho đến nghiệp huấn luyện. Tất cả đều rất nghị lực vượt khó và tinh thần chiến đấu, tình cảm thầy trò, đồng đội của tập thể U-22 Việt Nam nổi bật nhất ở SEA Games 30.

Từ ông Chung “xe ca” đến “bố” Chung ở các đội tuyển

Hai năm trước, HLV Mai Đức Chung từng đoạt giải thưởng Fair Play với nghĩa cử đẹp khi “thế thân” cho VFF gồng gánh đội tuyển nam Việt Nam đá vòng loại Asian Cup trong bối cảnh chẳng ai dám nhận đội. Ông Chung mãi sau này mới kể thời điểm ấy, cả người thân và người quen đều nói ông ngây thơ mới lên tuyển sau những giải thua tan tác cùng một tinh thần xuống con số âm.

Ông Chung lúc ấy cũng đau đầu dữ lắm nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận dấn thân với suy nghĩ trong lúc khẩn cấp, người ta cần mà mình từ chối thì dở đi. Ông Chung dễ tính mà không dễ dãi. Bằng chứng là ông gầy dựng lại tuyển nam từ tâm lý cho đến cách chơi chín chắn và dễ dàng đánh bại Campuchia ngay trên sân khách. Tuần sau đá lượt về, ông giao lại đội cho tân HLV Park Hang-seo và cũng với cái đội hình cũ đấy lại thắng chính đối thủ này 5-0 để giành vé chơi vòng chung kết.

Ông Chung đã 68 tuổi vẫn dễ tính và dễ thương như thời còn trẻ đá cho đội Xe ca Hà Nội, dù nhiều CLB lớn gửi lời mời. Dân bóng đá gọi ông là Chung “xe ca” luôn cho dễ nhớ. Hồi đó ông dễ tính và chỉn chu đến mức HLV nhờ ông đá chỗ nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ trừ vị trí thủ môn là chưa thử.

Sau này cứ hễ VFF cần gì, ông Chung cũng giúp họ gỡ rối và gỡ thật hoàn chỉnh. Ông có nhiều năm làm trợ lý trên tuyển và khi HLV Riedl bị sa thải, ông lại thế chỗ như hồi SEA Games 2007. Một năm sau ông Chung đã giúp U-22 Việt Nam vô địch Cúp Merdeka sau nửa thế kỷ chờ đợi.

Khởi nghiệp huấn luyện với bóng đá nữ, ông Mai Đức Chung thành công rực rỡ với các cô gái Việt Nam. Cầu thủ đá bóng vì ông và thương ông như trong gia đình, mới thân mật gọi ông là “bố” Chung. Thật lạ, mỗi lần đóng thế cho các đời thầy ngoại là mỗi lần ông Chung vô địch.

Ông Chung từng nắm đội nữ quốc gia thay HLV Steve Darby (Anh), Giả Quảng Thác, Trần Vân Phát (Trung Quốc) và mới đoạt chức vô địch SEA Games 30, tổng cộng đã đăng quang 4/6 lần vào các năm 2003, 2005, 2017, 2019, chưa tính một lần vô địch AFF Cup 2019 hồi tháng 7.

Tình cảm gia đình và tinh thần không bao giờ từ bỏ của U-22 Việt Nam

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, là thành viên của HĐTĐ, nhấn mạnh thành công của bóng đá Việt Nam suốt cả năm qua nổi bật nhất ở tinh thần fair play lan tỏa trong một tập thể đoàn kết. Hình ảnh long lanh của thầy trò Park Hang-seo còn là tấm gương sáng cho giới quần đùi áo số noi theo và điều quan trọng từ các đội tuyển cho đến CLB rất chăm chút làm đẹp cho mình. Ông Xương khẳng định cái tinh thần cao thượng của bóng đá làm cho hành vi xấu xí trên sân cỏ dần biến mất đi.

Nhà báo Xuân Cường (HTV) gắn bó lâu năm với bóng đá nam quốc gia bật mí: Các giai đoạn của nhiều thầy ngoại trước đây, tình cảm thầy trò, đồng đội luôn luôn có nhưng thời ông Park điều này thể hiện rõ ràng hơn. Theo đội tuyển U-22 Việt Nam xuyên suốt SEA Games 30, ông Xuân Cường ấn tượng về tình cảm như trong một gia đình của họ khi thấy Quang Hải bị chấn thương đã rơi nước mắt khi chứng kiến đồng đội cầm chiếc áo số 19 ăn mừng chiến thắng. Cả trong trận chung kết, thương binh Thanh Thịnh không cô đơn với nghĩa cử đẹp của U-22 Việt Nam nâng niu chiếc áo đấu của mình.

Hình ảnh Thành Chung ghi bàn vào lưới Indonesia ở vòng bảng đã tìm thủ môn Bùi Tiến Dũng chia sẻ với sai lầm của bạn; hay lúc thủ môn Văn Toản lầm lũi rời sân, Quang Hải bị đau chân vẫn chạy thật nhanh đến an ủi, đẹp đến nao lòng.

Nhà báo kỳ cựu Hồ Nguyễn thì thấy hình ảnh người cha hết lòng che chở cho đàn con của mình từ HLV Park Hang-seo: “Tôi thích thú lời dạy “Tất cả là một” và “Không bao giờ từ bỏ” của thầy Park nói với học trò của mình. Chiến thắng của U-22 Việt Nam với mật độ thi đấu SEA Games 30 dày đặc, trong đó có những trận lội ngược dòng ngoạn mục cho thấy cái tinh thần quyết chiến, đồng lòng rất đáng trân trọng”.

Nhà báo Hồ Nguyễn nói rằng duy nhất có ông Park luôn bảo vệ cầu thủ hết mình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông thầy Hàn nhận hết phần lỗi về mình sau những sai lầm của các thủ môn. Ông sẵn sàng gây áp lực ngược trở lại với những ai vô tình hoặc cố ý gây tổn thương cho cầu thủ. Đẹp nhất là khi ông Park sau mỗi thành công đều lùi lại phía sau, nhường cho học trò, trợ lý của mình.

Như lúc nhận cúp vô địch SEA Games và khi ai cũng nhảy lên phía trước reo vui lại thấy ông Park nở nụ cười ở cuối hàng. Còn khi ban tổ chức muốn đeo huy chương vàng vào cổ, ông Park từ chối vì người ta thiếu huy chương và ông biết có trợ lý của mình sẽ không thể nhận vinh dự ấy.

Cùng song hành với Ban tổ chức giải Fair Play 2019 có nhà tài trợ chính là Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), đồng tài trợ gồm các đơn vị: Tập đoàn Sun Group, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Công ty cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng Kiên Long, Công ty TNHH Cánh Nâu, Công ty CP Dinh dưỡng Khánh Hòa, Công ty cổ phần Công nghệ cát sạch Phan Thành. Đài Truyền hình TP.HCM - HTV là đơn vị bảo trợ thông tin.

Lễ trao giải Fair Play 2019 diễn ra khi nào?

Bên cạnh danh hiệu đặc biệt Vinh danh Fair Play cho HLV Mai Đức Chung và đề cử tinh thần đẹp của U-22 Việt Nam, HĐTĐ còn thống nhất chọn bốn đề cử Fair Play khác gồm:

• Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động của tỉnh Nam Định cứu em bé trong biển người sân Thiên Trường trận Nam Định - HA Gia Lai.

• Nghĩa cử đẹp của hai nữ CĐV Vũ Thị Thúy và Bùi Thị Hồng Hạnh lặn lội mang 60 kg thực phẩm cho hai đội tuyển bóng đá nam nữ tại SEA Games 30.

• Trọng tài Ngô Duy Lân kịp thời sơ cứu giúp cầu thủ thoát cảnh nguy hiểm trong tình trạng vô thức.

• Trung vệ Chương Thị Kiều nén đau đớn vì chấn thương sát cánh cùng đồng đội trong trận chung kết bóng đá nữ Việt Nam - Thái Lan tại SEA Games 30.

Từ danh sách năm đề cử chính thức, Ban tổ chức giải thưởng Fair Play 2019 sẽ gửi đến 150 thành viên gồm các chuyên gia, HLV, trọng tài, giám sát và những phóng viên phụ trách lĩnh vực bóng đá đề bầu chọn danh hiệu Fair Play 2019.

Gala lễ trao giải Fair Play 2019 sẽ tổ chức tại TP.HCM dự kiến vào tháng 2-2020 sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM - HTV. 

HLV Mai Đức Chung - người được vinh danh Fair Play vì những thành tựu, đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG

HLV Mai Đức Chung cùng các nữ tuyển thủ Việt Nam đón nhận chức vô địch SEA Games lần thứ sáu. Trước đó thầy trò ông đã vô địch AFF Cup. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm