Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Vừa mua xăng lậu để bán vừa làm 'cò'

(PLO)- Bị cáo khai do dạy học lương thấp nên mở cửa hàng bán xăng dầu, vì hám lợi mà nhập xăng lậu về bán để hưởng chênh lệch chiết khấu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong đường dây buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam do Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.

Giáo viên lương thấp nên… mở cửa hàng bán xăng lậu

Trong 74 bị cáo bị đưa ra xét xử, có bị cáo Nguyễn Thị Như Mỹ là giáo viên tại một trường THCS ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ngoài dạy học, Mỹ thành lập công ty kinh doanh xăng dầu do chính mình đứng tên.

Bị cáo Nguyễn Thị Như Mỹ tại phiên tòa ngày 10-11. Ảnh: VŨ HỘI

Bị cáo Nguyễn Thị Như Mỹ tại phiên tòa ngày 10-11. Ảnh: VŨ HỘI

Tại tòa, bị cáo Mỹ cũng đã bày tỏ rất hối hận vì sự hám lợi của bản thân nên đã nhắm mắt mua xăng lậu về bán. Mỹ cho biết do việc dạy học lương thấp nên bị cáo mở cửa hàng xăng dầu kinh doanh. Cũng vì hám lợi nên bị cáo mua xăng lậu do giá rẻ hơn giá thị trường, mức chênh lệch chiết khấu được hưởng 1.400-2.200 đồng/lít về cây xăng của mình để bán lẻ ra thị trường.

Việc mua bán xăng lậu, Mỹ tự tính toán rồi liên hệ với đầu mối là vợ chồng Bình để lấy xăng lậu từ kho Nam Phong tại tỉnh Long An. Tổng cộng Mỹ đã mua hơn 1,2 triệu lít xăng nhập lậu của vợ chồng Bình về tiêu thụ, thu lợi bất chính hơn 1,8 tỉ đồng.

Còn bị cáo Lê Hùng Phong (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM, nguyên giám đốc Công ty Xăng dầu Bình Tân) thuận lợi hơn trong quá trình mua bán xăng lậu của Tứ. Bị cáo Phong được anh rể là đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, đã bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép trong cùng vụ án) giới thiệu với Phan Thanh Hữu. Thế Anh trước đây công tác tại Ban chỉ đạo 389 quốc gia có chức năng kiểm tra, bắt giữ buôn lậu - hàng giả nên khi Thế Anh yêu cầu “ông trùm” Phan Thanh Hữu bán xăng lậu cho Phong thì Hữu nói Tứ liên lạc với Phong.

Từ ngày 21-7-2020 đến 5-2-2021, Phong đã sử dụng xe bồn đến nhận xăng lậu tại kho Nam Phong với số lượng 600.000 lít xăng lậu, thu lợi bất chính hơn 1,2 tỉ đồng.

Bị cáo khóc tại tòa

Tại tòa, HĐXX xét hỏi bị cáo Đỗ Văn Ba (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, chuyên kinh doanh xăng dầu). Theo cáo trạng, mặc dù biết Võ Thanh Bình (giám đốc Công ty TNHH Phong Phú) chuyên kinh doanh xăng nhập lậu, không có hóa đơn, mua của “ông trùm” Nguyễn Hữu Tứ nhưng do giá rẻ hơn giá thị trường, mức chênh lệch chiết khấu cao hơn nên Ba đã tham gia tiêu thụ cho đường dây buôn lậu này.

Từ cuối tháng 7-2020 đến tháng 2-2021, Ba đã mua lại của Bình hơn 31 triệu lít xăng lậu. Quá trình phạm tội, Ba sử dụng bốn xe bồn mang trực tiếp đến kho xăng Nam Phong để nhận và vận chuyển xăng lậu, đưa đi phân phối. Tổng số tiền Đỗ Văn Ba mua xăng lậu của Bình hơn 400 tỉ đồng. Sau khi đã trừ các chi phí hợp lý thì số tiền thu lợi bất chính là hơn 13 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Ba khai không chỉ mua xăng lậu về bán tại hệ thống các cây xăng của mình với con số lên đến 4,5 triệu lít mà còn lấy xăng lậu rồi bán lại cho năm mối hàng khác với số lượng hơn 4 triệu lít. Ngoài ra, Ba còn môi giới để bán hơn 22 triệu lít xăng lậu cho các đầu mối khác để lấy tiền “hoa hồng”.

Bị cáo Ba đã khóc khi nói về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Mặc dù bị cáo đã nộp số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả nhưng bị cáo cho rằng số tiền thực bị cáo thu lợi bất chính chỉ khoảng 6 tỉ đồng nên mong HĐXX xem xét.

Nộp gấp đôi số tiền thu lợi bất chính để được khoan hồng

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thị Cúc (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã thành lập bốn công ty cho con đứng tên nhưng toàn bộ do Cúc điều hành. Biết nguồn xăng của vợ chồng Bình là xăng nhập lậu nhưng do giá rẻ hơn giá thị trường, mức chênh lệch chiết khấu cao 1.300-2.600 đồng/lít theo giá chiết khấu của Nhà nước nên Cúc đã đồng ý mua nguồn xăng trên của vợ chồng Bình để bán lẻ ra thị trường.

Tính từ tháng 7-2020 đến đầu tháng 2-2021, Cúc đã mua và tiêu thụ xăng lậu của Bình tổng cộng 5 triệu lít, thu lợi bất chính khoảng 6,7 tỉ đồng.

Trước tòa, Cúc đã bày tỏ sự hối hận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo thú nhận do ham lợi nhuận từ xăng lậu được chiết khấu giá cao nên đã bất chấp pháp luật dẫn đến việc bị bắt giữ và truy tố. Khi bị bắt và biết mình phạm tội, Cúc đã nộp 12 tỉ đồng, gần gấp đôi số tiền thu lợi bất chính trong cáo trạng bị truy tố để khắc phục hậu quả do mình gây ra với mong muốn được hưởng sự khoan hồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm