Cần thiết phải xác định được nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 để hiểu được cách thức mà dịch bệnh này "tấn công loài người", từ đó ngăn chặn virus tiếp tục biến đổi nguy hiểm như hiện nay, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với AFP.
"Nguồn gốc của loại virus này là từ động vật truyền sang người, vì vậy chúng ta phải cố gắng hiểu cách mà loại virus này tự thích nghi để tồn tại và "tấn công loài người" - Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc phòng, chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu của WHO nói với AFP.
Tiến sĩ Sylvie Briand - Giám đốc phòng, chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu của WHO. Ảnh: REUTERS
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ dơi, sau đó truyền sang một loài khác trước khi lây cho người.
Virus biến đổi nguy hiểm khi truyền từ loài này sang loại khác
"Virus bắt đầu nhân lên khi ở trong cơ thể loài vật này rồi sau đó biến đổi một chút để trở thành virus SARS-CoV-2 hiện nay" - bà Briand, người từng lãnh đạo chương trình phòng, chống đại dịch cúm lợn H1N1 của WHO năm 2009, cho biết.
Theo bà Briand, nếu tìm được nguồn gốc của virus bằng cách tìm ra vật chủ trung gian sẽ giúp chúng ta ngăn chặn việc virus tiếp tục biến đổi cũng như tránh sự lây truyền qua lại giữa người và động vật.
"Mỗi khi virus nhảy từ loài này sang loài khác, nó có thể biến đổi thêm một chút. Điều này có thể tác động đến các phương pháp điều trị như việc virus kháng các loại thuốc đặc trị và thậm chí là vô hiệu hóa vaccine" - nhà khoa học người Pháp nói.
Cho đến nay, WHO đã thu thập hàng ngàn mẫu, từ là các mẫu động vật có ở chợ Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến những chú chó ở Hong Kong để tìm kiếm nguồn gốc vaccine nhưng vẫn chưa tìm thấy gì, theo bà Briand.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ dơi. Ảnh: GETTY IMAGES
Nguồn gốc dịch COVID-19 đã và đang gây ra một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.
Gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đã không sớm cảnh báo thế giới về mối nguy hại của dịch bệnh này khi nó mới bắt đầu xuất hiện ở TP Vũ Hán. Ngoài ra, Mỹ cũng nghi ngờ Trung Quốc đang che đậy một vụ rò rỉ tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, khiến virus SARS-CoV-2 lọt ra ngoài và lây lan khắp toàn cầu.
Virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất
Hãng tin Reuters dẫn lời Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đại dịch COVID-19 có thể không bao giờ biến mất mà sẽ tồn tại song song với cuộc sống con người như những loại virus khác và sẽ lấy đi nhiều sinh mạng mỗi năm.
"Virus này có thể trở thành một loại virus tồn tại song song với cuộc sống con người và có thể sẽ không bao giờ biến mất, giống virus HIV vậy. Tôi không muốn so sánh hai loại virus này nhưng quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận thực tế. Không một ai có thể dự đoán khi nào và liệu căn bệnh này có biến mất hay không" - Tiến sĩ Ryan cho biết.
Tiến sĩ Ryan nhấn mạnh rằng điều cần nhất bây giờ để đối phó đại dịch COVID-19 là tìm ra một loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Loại vaccine này phải luôn có sẵn với hiệu quả cao và được cung cấp đại trà cho nhiều người.
Vào tháng 12-2019, TP Vũ Hán đã báo cáo các trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Chỉ trong vòng sáu tháng, dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, lây nhiễm cho hơn 4,4 triệu người trên thế giới và cướp đi gần 300.000 sinh mạng.