Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cơ quan này sẽ nghiên cứu tình trạng một số bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh, hãng tin Reuters cho hay.
Trong cuộc họp báo ngày 11-4 từ Geneva (Thụy Sĩ), đại diện WHO nói: "Chúng tôi biết về những báo cáo liên quan đến người có kết quả âm tính khi xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR nhưng sau đó vài ngày lại có kết quả dương tính trở lại".
Trước đó, các quan chức Hàn Quốc ngày 10-4 cho biết 91 bệnh nhân đã dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 (gây đại dịch COVID-19) sau khi đã được xuất viện.
Ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), cho rằng virus có thể đã "tái kích hoạt" trong cơ thể bệnh nhân chứ không phải là những người này "tái nhiễm".
Các nhân viên y tế tại BV Dongsan, ĐH Keimyung, Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Theo hướng dẫn của WHO, một bệnh nhân chỉ được xuất viện sau hai lần liên tiếp cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 với hai thời điểm lấy mẫu cách nhau ít nhất 24 giờ. Phương pháp được sử dụng là xét nghiệm PCR giúp xác định RNA của virus tồn tại trong mẫu bệnh phẩm của người bệnh.
"Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các chuyên gia lâm sàng và tích cực làm việc để có thêm thông tin về những trường hợp riêng lẻ đó. Điều quan trọng là đảm bảo khi lấy mẫu xét nghiệm ở các bệnh nhân, quy trình phải hoàn toàn được tuân thủ", đại diện WHO nói trong cuộc họp báo.
WHO cho biết cơ quan này cần có các nghiên cứu một cách có hệ thống trên các bệnh nhân được thông báo đã hồi phục để hiểu rõ hơn về việc họ đào thải "virus sống" trong thời gian bao lâu.
"Vì COVID-19 là một dịch bệnh mới, chúng ta cần nhiều dữ liệu dịch tễ học hơn nữa để có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về các trường hợp bệnh nhân đang đào thải virus" - đại diện WHO nói.
Trước khi có các báo cáo từ Hàn Quốc, tình trạng "tái dương tính" ở bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 cũng xuất hiện ở Trung Quốc.
Cuối tháng 3, báo South China Morning Post đưa tin khoảng 3%-10% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện lại cho kết quả xét nghiệm dương tính.
South China Morning Post ngày 7-4 cho biết trong một nhóm 175 bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19, gần 1/3 những người này không có lượng kháng thể trước SARS-CoV-2 thấp (thậm chí ở một vài người còn không có kháng thể), theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Nghiên cứu này dấy lên lo ngại về việc bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh có thể không hoàn toàn miễn nhiễm trước dịch bệnh này và có thể tạo ra nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
Tính đến 4 giờ 30 phút chiều 12-4, toàn thế giới đã phát hiện hơn 1.787.000 ca nhiễm COVID-19, gần 109.300 người tử vong và hơn 406.100 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.
Trong 20 nước có hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19, Trung Quốc là nước có tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi cao nhất (hơn 94,5%). Hàn Quốc xếp thứ hai với hơn 70% các ca nhiễm COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh.