Ngày 20-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại khi số ca nhiễm mới hằng ngày gia tăng nhanh chóng, nhất là ở các quốc gia nghèo và những nước vừa dỡ bở các biện pháp phong tỏa, theo hãng tin Reuters.
WHO cho biết 24 giờ qua toàn cầu ghi nhận 106.000 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Số liệu tăng cao được cho là do các nước đẩy mạnh công tác xét nghiệm COVID-19 hàng loạt, theo Reuters.
Trước đó trong ngày, Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO đã dự đoán tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu sẽ sớm đạt mốc năm triệu.
Và thực tế đúng như ông Ryan dự đoán. Tính đến sáng 20-4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có 5.085.521 ca nhiễm và 329.731 ca tử vong vì COVID-19, theo trang thống kê Worldometer.
Một quầy phân phối thực phẩm cho người dân ở Nam Phi - quốc gia với 18.003 ca nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP
Trong buổi họp báo hôm 20-5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để vượt qua đại dịch COVID-19. Hơn nữa, WHO cũng rất quan tâm đến các ca nhiễm mới gia tăng tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình”.
WHO đang chịu sức ép từ Mỹ
Reuters cho biết WHO cũng đang chịu sức ép rất lớn từ Mỹ. Ngày 20-5, Tổng Giám đốc Tedros cho hay đã nhận được thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng ông lại không đưa ra bất kỳ bình luận gì.
Ông Tedros chỉ nói rằng ông cam kết chịu trách nhiệm và sẽ tiến hành đánh giá về cách đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, khi nào việc đánh giá được thực hiện và hoàn thành thì ông không đề cập.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cam kết chịu trách nhiệm và sẽ tiến hành đánh giá về cách đối phó với đại dịch. Ảnh: AFP
Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã gửi một bức thư cho ông Tedros. Trong thư, ông Trump dọa nếu WHO không cam kết về “những cải thiện đáng kể” trong vòng 30 ngày thì ông sẽ ngưng vĩnh viễn tài trợ cho tổ chức này và xét lại tư cách thành viên của Mỹ.
Về vấn đề tài chính, người đứng đầu WHO cho biết ông vẫn đang tìm kiếm các nguồn tài trợ khác cho tổ chức này.
“Ngân sách 2,3 tỉ USD cho một cơ quan toàn cầu như WHO hiện là rất, rất nhỏ - chỉ bằng một bệnh viện cỡ trung bình ở các nước phát triển” - ông Tedros nói.
WHO ra lời khuyên về dùng thuốc sốt rét trị COVID-19
Xung quanh những bình luận của Tổng thống Mỹ về việc sử dụng thuốc sốt rét hydroxychloroquine để điều trị COVID-19, WHO khuyến cáo những loại thuốc này chỉ nên dùng trong các thử nghiệm lâm sàng.
"Tính đến nay, thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và chloroquine vẫn chưa được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19 hoặc điều trị dự phòng dịch bệnh này. Thực tế, rất nhiều cảnh báo trước đó đã được đưa ra về các tác dụng phụ tiềm tàng của hai loại thuốc sốt rét này” - TS Ryan nói.
Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO. Ảnh: REUTERS
Ông Ryan nhấn mạnh thêm: “Bởi vì chúng tôi là WHO nên chúng tôi khuyên các loại thuốc này nên dành riêng để sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị COVID-19”.
Theo Reuters, hơn 3.000 bệnh nhân COVID-19 đang tham gia thử nghiệm dùng thuốc sốt rét tại 320 bệnh viện của 17 quốc gia trên thế giới.