Được biết chiếc xe trên cấp cho bệnh viện (BV) từ năm 2007, biển số 86B-0336. Thế nhưng từ khi BV này nhận chiếc xe cứu thương nói trên về, chưa lần nào được điều chở bệnh nhân đi cấp cứu mà các lái xe được lệnh tháo băng ca xuống, lắp ghế ngồi biến thành xe du lịch.
BV đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận là BV hạng II với quy mô 240 giường bệnh, được cấp bốn xe cứu thương. Tuy nhiên, trong đó có hai xe đã sử dụng lâu, xuống cấp và chỉ còn hai xe hoạt động tốt, trong đó có xe 86B-0336 lại bị thay đổi công năng.
Theo phản ảnh, ngoài việc sử dụng chiếc xe trên từ Bắc Bình về Phan Thiết công tác, BV này còn điều xe đi TP.HCM, Khánh Hòa, Ninh Thuận…
Chiếc xe cứu thương đã bị thay đổi công năng tháo băng ca, lắp ghế.
Trước tình trạng này, tháng 5-2015, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận thành lập đoàn thanh tra. Theo giải trình của ông Trần Văn Cường, Giám đốc BV, thì do nhu cầu đi công tác, nhiều lúc họp, hội nghị với số lượng đông không có ghế ngồi nên bắc thêm ghế để có chỗ. Đến khi cần cấp cứu hay đưa bệnh nhân lên tuyến trên thì gỡ các hàng ghế xuống và đưa băng ca lên.
Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Sở Y tế chỉ rõ: Qua kiểm tra lệnh điều xe thì chiếc xe 86B-0336 này thường xuyên đi công tác ở Sở Y tế tỉnh Bình Thuận và TP.HCM. Ngoài ra còn có một số lệnh điều xe đi các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và không có lệnh điều xe nào sử dụng cho việc cấp cứu hay đưa bệnh nhân lên tuyến trên.
Từ kết quả này, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận kết luận: Theo quy định của ngành y tế, xe cứu thương là xe chuyên dụng dùng để vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và có thể vận chuyển thuốc men, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, BV sử dụng vào mục đích khác chưa phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu BV phải sử dụng xe cứu thương đúng mục đích.
Nhưng sau đó chiếc xe này vẫn không lắp băng ca lên và vẫn bon bon lăn bánh trên từng cây số. Quá bức xúc, một lần nữa các y bác sĩ tại BV tiếp tục gửi đơn tố cáo.
Đến chiều 23-10, BV đã yêu cầu lái xe tháo ghế, lắp băng ca lên xe, trả lại hiện trạng như cũ. Tuy nhiên đến giờ, một số nhân viên, y bác sĩ ở BV này vẫn khẳng định: Chiếc xe trên vẫn chưa một lần chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Các hàng ghế được tháo xuống sau khi có đơn tố cáo.
Để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã trao đổi với BS Đinh Thị Triệu, Phó Giám đốc phụ trách hành chính quản trị BV đa khoa Bắc Bình Thuận (phụ trách ký lệnh điều xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên), về chiếc xe bị thay đổi công năng từ nhiều năm nay. BS Triệu nói: Chuyện chiếc xe cứu thương này thì cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trong BV ai cũng thấy. Tôi nhận nhiệm vụ phó giám đốc BV thì đã thấy tình trạng trên rồi nhưng gần đây đã chỉnh lại.
“Chiếc xe cứu thương này có chuyển bệnh nhân nhưng chỉ một hoặc hai chuyến. Từ năm 2008, khi tôi nhận nhiệm vụ phó giám đốc thì chiếc xe đã lắp ghế lên rồi, mới đây xe mới lắp lại băng ca” - BS Triệu nói.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “BV có tờ trình lên Sở Y tế xin cấp thêm xe cứu thương trong khi xe cứu thương của BV lại sử dụng vào việc khác, gần đây mới lắp lại băng ca là thế nào?”, BS Triệu nói: "Chuyện sử dụng xe 86B-0336 thế nào tôi không biết nhưng đúng là tôi có ký tờ trình xin cấp thêm xe bởi một số xe cứu thương của BV đang chuẩn bị thanh lý vì quá cũ".
Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây: a. Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu. b. Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu TNGT và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại điều này (Điều 3 Thông tư số 27 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng ô tô cứu thương) |