Xử lý hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định theo luật mới

Hỏi:

 Tôi đỗ ô tô ven đường sát mép bên phải theo chiều đi, phía sau xe cách khoảng 15 m gia đình có để một đèn đỏ báo hiệu nguy hiểm, tôi đỗ khoảng 30 phút sau có một xe máy đi tông vào đuôi xe va làm gãy gương chiếu hậu. Xe máy và người điều khiển ngã văng ra, xây xát ở mặt và chân, sức khỏe đã bình thường nhưng gia đình kia chưa muốn xuống giải quyết. Ô tô của tôi đang bị công an giữ, tôi muốn lấy xe ra để sửa thì có được không? Nếu theo quy định thì xe của tôi bị giữ bao nhiêu thời gian? Tôi xin chân thành cám ơn!

Trả lời:

Căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;

12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7; Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các Điểm, Khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 1; Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm g, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l Khoản 2; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm k, Điểm l Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 4; Khoản 5; Điểm a Khoản 6; Điểm c Khoản 7;

Theo thông tin mà bạn cung cấp bạn đỗ ô tô ven đường sát mép bên phải theo chiều đ nhưng nếu bạn có hành vi đỗ xe ở nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” thì bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 600.000-800.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng do gây ra tai nạn giao thông. 

Tuy nhiên, để xác định chính xác bạn có vi phạm CQĐT sẽ điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và lỗi của các bên để quyết định mức xử phạt và hình phạt tương ứng. 

Ngoài ra, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như sau:

"Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này."

Như vậy, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là bảy ngày kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật. Thời hạn tạm giữ xe của bạn phụ thuộc vào thời gian điều tra, xác minh làm rõ vụ án để xác định lỗi và trách nhiệm của các bên. Do đó, trong thời gian CQĐT tạm giữ xe thì bạn chưa thể lấy xe ra để sửa.


Trân trọng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm