Xuất khẩu còn phụ thuộc các nước đang phát triển

Tình hình kinh tế thế giới hiện ngày càng có những biến động về giá cả, tâm lý thị trường dao động, dòng vốn FDI giảm. Lạm phát đang có xu hướng gia tăng cao. Bên cạnh đó, khu vực châu Âu với áp lực nợ công cao, nợ của các nước hiện nay đã trở thành vấn đề khá nhạy cảm. Cụ thể, thất nghiệp tăng thêm 9,5%, thâm hụt ngân sách Mỹ 10% GDP, tương đương 1.500 tỉ USD. Điều này gây áp lực nặng nề đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hai xu hướng kinh tế

Từ đầu năm tới nay, sự phục hồi chậm chạp chia hẳn thành hai xu thế khác biệt. Xu hướng thứ nhất là hầu như hiện nay các nước đang phát triển đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng. Vì thế các nước này chỉ phải lo tập trung vào giải quyết những điểm yếu nội tại của mình (chẳng hạn như việc khắc phục thâm hụt ngân sách). Còn xu hướng thứ hai là các nước khu vực phát triển như khu vực châu Âu, các nước đầu tàu tăng trưởng truyền thống như Mỹ, Nhật Bản… lại đang vật lộn với khó khăn như nợ công, thất nghiệp...

Theo đánh giá gần đây nhất của IMF, chính phủ các nước phát triển đang rất khó khăn trong việc lựa chọn chính sách kinh tế. Nguy cơ tái suy thoái kinh tế sẽ xảy ra nếu các nhà lãnh đạo phương Tây không đưa nền kinh tế nước mình trở lại đúng quỹ đạo. Riêng các nước có thu nhập thấp cần xây dựng các mục tiêu chi tiêu xã hội tốt hơn, tăng doanh thu nhiều hơn và chi tiêu hiệu quả để sử dụng tốt nhất các nguồn lực hạn chế của họ. Vì thế động lực phục hồi lại rơi vào các nền kinh tế đang phát triển. Điều đó cho thấy có sự dịch chuyển của các nhà đầu tư từ khu vực rủi ro sang những nước ít rủi ro hơn.

IMF cũng khẳng định các nước thu nhập thấp vẫn có khả năng chống chọi với cuộc khủng hoảng đang xảy ra do họ có nguồn dự phòng khá tốt được tích lũy từ trước khủng hoảng. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy hiện nay các nước đang phát triển chiếm một nửa tỉ trọng trong nền kinh tế thế giới. Năm 2011 sản xuất tiếp tục gia tăng, xuất khẩu tăng mạnh.

Xuất khẩu còn phụ thuộc các nước đang phát triển ảnh 1

Đối tác nước ngoài lấy thông tin, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ để đặt hàng tại hội chợ hàng xuất khẩu ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Cán cân thanh toán chênh lệch

Có ba điểm lạc quan đem lại cho tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Thứ nhất, hầu hết thương mại và sản lượng công nghiệp của thế giới đã đạt chỉ tiêu trước khi khủng hoảng xảy ra. Thứ hai, hiện nay vai trò của các nước đang phát triển rất vững chắc với mức tăng trưởng GDP là 46% và mức tăng trưởng khối lượng nhập khẩu năm 2010 là 50%. Thứ ba, sản lượng công nghiệp của các nước đang phát triển hiện nay cao hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008, đặc biệt khối Đông Á chiếm tới 36%.

Vì thế với các nước đang phát triển cần phải định hướng chính sách hướng về trung hạn để nâng cao năng suất, tái thiết lập dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ. Ở các nước phát triển: tiếp tục khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng để cân đối giữa kích thích kinh tế trong ngắn hạn và thắt chặt ngân sách trong trung hạn.

Kênh thương mại đang chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế nên Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ thế giới. Tuy nhiên, so với các nước đang phát triển thì chúng ta lại có những điểm khác biệt, điều này làm lạm phát tăng cao. Cụ thể, hiện nay tiền đồng của chúng ta giảm rất nhiều so với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán chênh lệch, nợ nước ngoài của chúng ta đang ở mức cao nhất trong khối ASEAN, dòng tiền không chuyển qua hệ thống ngân hàng…

Hiện nay xét về thương mại đầu tư, chúng ta đã là nền kinh tế phát triển sâu nhưng các điểm khác lại chậm lại. Ở các nước Đông Âu, mạng lưới xuất khẩu là một quy trình, mỗi nước làm ra một phần tạo sự gắn kết chặt chẽ. Nhưng chúng ta không phải là một bộ phận trong chuỗi quy trình của nền kinh tế thế giới.

Chính vì thế, nhìn từ góc độ xuất nhập khẩu, hàng Việt Nam chưa nằm trong chuỗi trao đổi với thế giới. Vì thế mặc dù xuất khẩu phục hồi tốt nhưng phụ thuộc cao vào nhu cầu của các nước đang phát triển.

Trong tháng 9, IMF đã giảm mức dự báo tăng trưởng thế giới từ 4,2% xuống còn 4%. Mới đây, ngày 22-9, tại Mỹ đã diễn ra hội nghị gồm có các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tại đây, các ngân hàng trung ương, các bộ trưởng tài chính đã cùng cam kết sẽ thực hiện kế hoạch phối hợp quốc tế nhằm ngăn chặn khủng hoảng, tăng cường tối đa mức độ hoạt động hiệu quả của Quỹ Ổn định tài chính châu Âu để tránh khủng khoảng lan nhiễm. Điều đó cho thấy mức độ trầm trọng của nền kinh tế thế giới.

TS ĐOÀN HỒNG QUANG, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

YÊN TRANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm