Trước việc Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh dừng thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, rồi mới đây năm nhân vật chủ chốt của một công ty con thuộc tập đoàn này bị bắt vì hành vi gian lận tiền thu phí cao tốc khiến dư luận đặt câu hỏi: Chủ đầu tư là Công ty Yên Khánh liệu có đủ lực để tiếp tục làm đoạn đường Võ Văn Kiệt nối dài 2,7 km (động thổ từ năm 2015)?
Chủ đầu tư: “Vẫn tiếp tục”
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Lạc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương (công ty thuộc Yên Khánh, được lập ra để thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài), cho biết việc thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và làm đường Võ Văn Kiệt là tách biệt, khác nhau dù cùng một chủ chính là Tập đoàn Yên Khánh.
“Việc làm đường Võ Văn Kiệt do doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương tiến hành. Đến nay công ty đã thu xếp xong tài chính, kế hoạch cho việc thực hiện dự án 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài nên việc ngừng thu phí ở cao tốc và những người thu phí gian bị bắt hoàn toàn không ảnh hưởng đến công ty và công trình làm đường của chúng tôi” - ông Lạc nói.
PV phản ánh tại hiện trường công trình 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài hầu như vắng bóng người nhiều tháng qua dù các hạng mục nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 và nút giao Tân Kiên vượt trên đường Võ Trần Chí đang còn xây dang dở.
ông Lạc giải thích sở dĩ tiến độ công trình thi công cầm chừng là do vướng mặt bằng ở cả hai đầu tuyến và còn nhiều điểm dân cư, đồng ruộng nằm trên tuyến. Điển hình là hàng loạt nhà xưởng, đất ruộng nằm ở gần khu vực nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1. Đã hơn một năm nay huyện Bình Chánh vẫn chưa áp giá xong để giải tỏa chín nhà xưởng, đất phi nông nghiệp ở khu vực này.
Tiến độ cầm chừng cũng đã làm ảnh hưởng dây chuyền đến các công trình khác. Chẳng hạn, đường gom song hành với đường Võ Trần Chí đi dưới nút giao Tân Kiên thi công đứt đoạn vì nút giao này mới chỉ làm được hai trụ cầu vượt. Theo Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương, nút giao này chưa được thi công vì lấn cấn với đường gom song hành. “Đến nay Sở GTVT TP vẫn chưa đưa ra phương án xử lý đường gom khỏi chồng lấn, xung đột với các hạng mục của nút giao nên công ty chưa thể thi công nút giao được” - đại diện Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương cho biết. Cạnh đó, dự toán cho nút giao này và các nhánh hoa thị ở nút Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 chưa được phê duyệt nên chưa thể thi công ngay.
Khu vực nút giao Tân Kiên, cuối đường Võ Văn Kiệt nối dài nối vào đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương thi công cầm chừng. Ảnh: LƯU ĐỨC
Sẽ kiểm tra hiện trường
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.hcm, cho biết dù một số cá nhân ở Tập đoàn Yên Khánh bị bắt (bà Vũ Thị Hoan, nguyên chủ tịch Tập đoàn Yên Khánh, bị bắt trong vụ mua bán đất nhà nước ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1; năm người gian lận thu phí vừa bị bắt) và việc dừng thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng pháp nhân Tập đoàn Yên Khánh và Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương vẫn còn. “Dù có bị ảnh hưởng nhất định nhưng hai pháp nhân này vẫn phải thực hiện làm 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài” - ông Tám khẳng định.
Tháng 1-2015, khi đưa ra đề xuất làm 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài, bà Vũ Thị Hoan, khi đó còn là đại diện theo pháp luật của Yên Khánh, cho biết Yên Khánh sẽ bỏ ra 1.300 tỉ đồng để làm giai đoạn 1 của dự án này với mặt đường rộng 20 m, nền đường rộng 26 m. Đổi lại, Yên Khánh sẽ thu phí BOT trong thời gian 14 năm tám tháng. |
Cũng theo ông Tám, tới đây Sở GTVT sẽ đi kiểm tra hiện trường, nơi nào đã có mặt bằng thì Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương phải triển khai thi công ngay. Chỗ nào còn vướng mặt bằng thì Sở GTVT sẽ phối hợp với huyện Bình Chánh tháo gỡ. “Trong trường hợp đã có mặt bằng mà Yên Khánh, Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương và các đơn vị thi công vẫn tiếp tục chây ỳ, chậm triển khai thi công thì Sở GTVT sẽ xem xét xử phạt và có thể thu hồi dự án, tổ chức đấu thầu, giao lại dự án cho nhà đầu tư khác” - ông Tám nói.
Cũng theo thông tin từ ông Tám và Công ty BOT TP.HCM - Trung Lương, với hợp đồng đã ký thì ở giữa đoạn 2,7 km Võ Văn Kiệt nối dài sẽ có trạm thu phí. Như vậy, khi trạm Chợ Đệm thu phí trở lại cho cao tốc TP.HCM - Trung Lương và trạm thu phí Võ Văn Kiệt nối dài đi vào hoạt động thì trên trục đường Võ Văn Kiệt hướng lên cao tốc sẽ có hai trạm thu phí cách nhau chưa đầy 4 km, trái với quy định tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính (khoảng cách giữa hai trạm thu phí tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường - PV).
Trả lời vấn đề này, đại diện công ty BOT và Tập đoàn Yên Khánh cho biết: “Theo dự án khi lập, trạm thu phí cho đường Võ Văn Kiệt nối dài đã có. Còn hai trạm quá gần nhau thì việc đi theo đường Võ Trần Chí, Nguyễn Văn Linh (không mất phí) hoặc đường Võ Văn Kiệt (có thu phí) để lên trạm Chợ Đệm là quyền lựa chọn của chủ, lái xe”.
“Ngủ quên” trên đống tiền? Ngày 1-1-2019, Công ty Yên Khánh đã chấm dứt quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau năm năm khai thác (số tiền mua quyền thu phí là 2.004 tỉ đồng trả cho Bộ GTVT). Cũng vào thời gian này, công an đã bắt năm người của một công ty con của Công ty Yên Khánh vì gian lận tiền thu phí, trốn thuế ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Một quan chức Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định trên báo chí rằng hành vi gian lận tiền thu phí của nhóm người trên không liên quan đến Bộ GTVT. Theo vị này, năm 2013, sau khi trúng thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phía Công ty Yên Khánh đã chuyển đủ tiền mua quyền thu phí cho Nhà nước, chấp nhận lời ăn lỗ chịu. “Nếu doanh thu tăng hơn ước tính mà họ dùng phần mềm để che giấu, gian lận là để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước về mặt thuế, chứ Nhà nước không bị thất thoát trực tiếp từ thu phí vì đã bán trọn gói quyền thu phí có thời hạn cho Công ty Yên Khánh” - vị này nói. Dĩ nhiên, câu trả lời có phần vô cảm trên không được dư luận đồng tình. Mọi người dân và chủ xe, tài xế đều biết là công thức tính tiền thu phí = thời gian + (lượng, loại) xe. Thực tế, từ khi đi vào khai thác thì số lượng và loại xe (xe càng to, càng nặng mức phí thu càng cao) đi trên 62 km cao tốc này liên tục tăng 10%-15%/năm (theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ năm 2012 đến 2018). Như vậy, khi số lượng và loại xe tăng lên thì thời gian thu phí phải giảm xuống chứ không thể là cứ đúng năm năm. Lại nữa, từ năm 2013, Tổng cục Đường bộ ráo riết yêu cầu các trạm thu phí phải lắp đặt thiết bị thu phí không dừng VECT nhằm kiểm soát, minh bạch công tác thu phí. Nhưng với Công ty Tập đoàn Yên Khánh thì Tổng cục… quên. Cái cớ được Tổng cục nại ra là tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã ký hợp đồng “khoán trắng”. Rõ ràng, câu chuyện cơ quan chức năng “ngủ quên” trên đống tiền 2.004 tỉ đồng không khỏi làm người dân lo ngại. L.ĐỨC - H.TUYÊN |