Đâu chỉ có mỗi thư ký tòa sai phạm?

Sau đó, nguyên đơn mới hay luật sư chỉ nhận 40 triệu đồng chứ không phải là sáu lượng vàng và 60 triệu đồng như người thư ký đã nói... Người thư ký đã sai rành rành nhưng vẫn còn một người nữa cũng sai mười mươi nhưng chưa thấy bài báo đề cập.

Người đó chính là vị luật sư đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm. Khi được thư ký nhờ “cãi giúp cho người chị họ”, ông đã nhận lời với số tiền thù lao chỉ là 40 triệu đồng.

Bản thân ông không ngờ bà thư ký đã lợi dụng danh nghĩa của mình để lấy của nguyên đơn gấp nhiều lần số tiền thù lao ấy. Khi vụ việc vỡ lở phát hiện ra mình cũng là nạn nhân và biết được hoàn cảnh khó khăn của nguyên đơn, ông đã hoàn lại cho nguyên đơn 30 triệu đồng trong số 40 triệu đồng đã nhận. Tạm tin rằng ông đã nói thật nhưng nên lý giải ra sao việc ông đã vi phạm các nguyên tắc hành nghề luật sư?

Theo Luật Luật sư, khi nhận vụ, việc luật sư phải thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng (Điều 24). Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng... (Điều 26).

Người luật sư ấy đã thực hiện hai điều luật này như thế nào khi không hề ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, trong đó có việc thỏa thuận khoản tiền thù lao? Nếu ông đã thông báo đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình, tại sao khách hàng còn nhầm tưởng với khoản tiền đã bỏ ra và với sự có mặt của luật sư thì họ sẽ thắng kiện?

Xem ra chi tiết luật sư nhận tiền thù lao thông qua... thư ký tòa, rồi sau đó cho rằng đã bị thư ký qua mặt là không thể nào chấp nhận được. Có lẽ khi xem xét trách nhiệm cụ thể của bà thư ký, các cơ quan chức năng cũng nên lưu ý thêm trách nhiệm liên quan của cả người luật sư. Riêng phần người dân, cần hạn chế các giao dịch qua người trung gian vì dễ gây ra nhiều bất ổn đáng tiếc.

THÀNH ĐƯỢC (Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm