Thói xấu người đô thị - Bài 2

Người Việt chưa thấy người đã nghe tiếng

Khó có thể xác định mức độ ồn bằng số liệu bởi muốn làm vậy phải có máy đo chuyên dụng. Tuy nhiên, điều mà ai cũng nhận thấy là người Việt có thể gây ồn ở bất cứ đâu.

Người Việt ồn tới mức nào?

Ở trong nhà hay ra đường, nơi chợ búa hay trong phòng hội họp, hiếm khi người ta chủ động nói vừa đủ nghe. Chưa cần tới lễ hội, sự kiện, chỉ trong cuộc sống thường nhật đã đủ để phát điên vì tiếng ồn. Cụm từ “đi nhẹ, nói khẽ” dường như chỉ là đặc sản của các bà bầu.

Một lần đứng chờ con dự kỳ thi quan trọng, trong khi xung quanh tất cả phụ huynh đều nóng ruột hướng về cổng trường thì có hai chị có lẽ quen biết nhau nên trò chuyện rôm rả. Giữa bầu không khí khoa cử, câu chuyện kể xấu mẹ chồng, em chồng và khoe tài trị chồng của hai chị trở nên lạc quẻ đến sống sượng. Nghĩ xung quanh là người lạ nên hai chị cứ hồn nhiên chém gió.

Người ta ồn từ ngoài đường đến trong ngõ, vào tận nhà. Ra đường bấm còi inh ỏi, mắng nhiếc nhau. Đến nơi công cộng thì nói hết công suất. Kể cả nơi cần yên tĩnh nhất như bệnh viện mà người ta vẫn bô lô ba la đủ thứ trên đời.

Ở phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, xe buýt, máy bay…, người ta cứ thoải mái bình luận, kêu réo mà chẳng cho người bên cạnh được yên. Một lần tôi nhắc khéo đôi bạn ngồi phía sau trong rạp phim đừng ồn nữa. Họ ngưng nói nhưng chuyển sang… rung ghế, cứ như để trả đũa vậy.

Ngay ở nơi công sở nhiều lúc cũng khiến người ta có cảm giác như ngồi giữa chợ.

Quán cà phê phải sang chảnh lắm mới hy vọng người ta nhỏ nhẹ. Một hệ thống cà phê kiểu cổ còn lấy ồn ào, bát nháo làm đặc sản. “Thế mới đúng chất!” - chủ quán nói. Không biết chất ở đây là chất gì, song ồn ào chưa bao giờ là tiêu chí của lịch sự và văn minh.

Đau đầu nhất là về đến nhà rồi vẫn bị tra tấn. Từ chuyện nhỏ như hàng xóm cãi nhau đến đám cưới, ma chay, sinh nhật, đại thọ… cứ có cớ là người ta rước dàn nhạc, loa khủng về nhà. Hàng xóm phản ánh không xi nhê, chính quyền cũng phải lắc đầu vì cả nể, thông cảm.

Nhìn người mà ngẫm đến ta

Nếu có dịp đi xe điện ở Nhật, bạn sẽ thấy cả toa xe vô cùng trật tự. Từ tiếng động cơ cho đến âm thanh từ người đi tàu đều ở mức thấp nhất. Người ta không nói chuyện, nếu có thì sẽ thì thầm rất nhỏ. Họ đặt chiếc cặp lên ghế cũng nhẹ tay, trách mắng trẻ nhỏ nhẹ nhàng chứ không hét tướng lên như nhiều mẹ Việt. Ngay cả tiếng chuông điện thoại cũng rất hiếm vì đều đã chuyển sang chế độ rung.

Một không khí còn nghiêm túc, yên tĩnh hơn như vậy khi bạn đến các văn phòng, phòng khám, phòng tranh… và hầu hết các nơi công cộng khác. Khi cần trao đổi điều gì, người ta sẽ nói nhỏ vừa đủ nghe hoặc sử dụng các ứng dụng nhắn tin. Không có chuyện người ở đầu này phòng gọi với người ở cuối phòng.

Nếu ở nông thôn, không gian rộng lớn, việc nói to là cần thiết. Đôi khi một màn tỏ tình ồn ào nhất giữa ruộng lúa cũng chẳng có ai nghe thấy. Thế nhưng điều ấy ở đô thị lại hoàn toàn khác. Tiếng ồn là một dạng xâm phạm vào không gian riêng của người khác.

Để giảm thiểu điều này, mấu chốt là xây dựng lòng tự trọng. Một người có lòng tự trọng sẽ không muốn trở thành cái gai, cái chướng, cái khó chịu trong mắt người khác. Việc này phải được rèn luyện từ nhỏ. Người lớn hãy thôi nói câu “trẻ con mà” để dễ dãi bỏ qua khi con trẻ quậy phá, làm ồn nơi công cộng bởi việc ấy đang nuôi dưỡng tính thiếu tôn trọng không gian chung ở trẻ.

Cộng đồng cũng phải có phản ứng rõ ràng với những cá nhân gây ồn, cho họ biết điều đó là gây phiền, thậm chí tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng công việc người khác.

Bên cạnh lời nhắc còn cần sự nghiêm minh của luật pháp. Hiện nay, một số hành vi gây ồn quá mức cho phép hoặc quá giờ quy định đã có luật để chế tài. Vấn đề còn lại là người thực thi luật cần quyết liệt và sâu sát hơn, tuyên truyền mạnh hơn.

Nói chung đây là một hành trình dài, không dễ dàng nhưng chắc chắn thói xấu này sẽ bị xóa bỏ. Khi xã hội phát triển, quá trình giao lưu văn hóa, tiếp xúc, hòa nhập, làm việc cùng người nước ngoài, học hỏi nếp sống văn minh, con người sẽ tự buộc mình phải thay đổi theo để không đi ngược với tiến trình phát triển.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở/ngành, quận/huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý. 

Đường dây nóng của Sở TN&MT TP.HCM tiếp nhận, giải quyết kịp thời phản ảnh của người dân về tiếng ồn, trong đó có nguồn gây ồn từ karaoke là 028.38293653. Cạnh đó, người dân có thể phản ảnh về tiếng ồn tại UBND phường/xã hoặc Phòng TN&MT quận/huyện để trình báo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm