Thói xấu người đô thị - Bài 3

Người Việt thích là làm, bất chấp thị phi

Mới đây, một tài khoản mạng đã chia sẻ hình ảnh rác bừa bãi, ngập ngụa khắp nơi, một số người tranh thủ nằm nghỉ ngơi trên bãi cỏ khiến cảnh tượng trở nên nhốn nháo khi tòa tháp cao nhất nước “chính thức đưa vào hoạt động hạng mục đầu tiên.

Thói quen tùy tiện đụng đâu làm đó, bất chấp hậu quả, luật pháp khiến một bộ phận người Việt hồn nhiên như cô tiên trở thành đại diện xấu xí cho chân dung người Việt.

Thói tùy tiện khiến ai cũng phải sợ

Bản chất của sự tùy tiện là tùy ý mình và tiện đâu làm đó, điều ấy bao hàm rằng chủ thể này không cần đếm xỉa gì tới xung quanh, nguyên tắc hay luật lệ cũng chỉ là muỗi so với ý muốn chủ quan của họ.

Từ tư duy đó dẫn đến những hành vi không tưởng tượng nổi, như một đại gia đi ô tô dừng ngay ngã tư xuống xe tiểu tiện vào dải phân cách, hay một quý bà đi ngắm hoa anh đào rồi tiện tay bẻ luôn một cành to tướng về nhà, một cư dân chung cư cao cấp tiện tay ném bịch rác chà bá xuống sân khiến chiếc ô tô xui xẻo dừng ở đây vỡ kính…

Ra đến nước ngoài thì khiến nước bạn giật mình khi thản nhiên giẫm nát cả luống hoa, leo lên cây đào rung lắc cho có cánh hoa rơi chụp ảnh cho đẹp, vứt rác tứ tung hoặc tụ tập nhậu nhẹt ồn ào suốt đêm trong phòng khách sạn… Rất nhiều những việc làm tương tự có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Việc làm theo đúng lý, quy định, nội quy, nguyên tắc dường như rất khó với những người thấy đèn đỏ vẫn phi như bay, ném rác ngay dưới chân thùng rác, cướp hoa ở đường hoa, hút thuốc bên cạnh trẻ nhỏ, rủ nhau câu cá ngay trước biển cấm.

Từ sự tùy tiện trong suy nghĩ, chỉ nhìn thấy nhu cầu của bản thân, tiện cho chính mình mà không suy xét hậu quả rồi dẫn tới không chút phép tắc trong hành xử. Thế nhưng trong xã hội văn minh và nhất là khi tương tác với cộng đồng, thói quen ấy có thể gây đảo lộn trật tự, gây ra điều sai trái.

Chính vì vậy xã hội mới phải đặt ra quy chuẩn đạo đức và pháp luật để định hướng hành vi. Nếu không tuân theo các định hướng, hành vi tùy tiện có thể biến tướng đến mức không thể lường được.

Một lượng lớn người tham quan giẫm đạp, nằm ngồi trên bãi cỏ dưới chân tòa tháp cao nhất nước bất chấp bảng cấm.  Ảnh: Facebook

Thuốc đắng cũng khó giã tật

Thói tùy tiện có lúc bị hiểu lầm là do trình độ văn hóa thấp nhưng không hẳn, giới trí thức vẫn có thói xấu này như thường. Sự tùy tiện sâu xa là do bản tính ích kỷ, tiện mình mà mặc người. Muốn thay đổi thói xấu này phải tạo được một môi trường mới, nơi mà ở đó sự tùy tiện không được chấp nhận. Ví dụ, người Việt dù ở trong nước xả rác không ngại tay nhưng sang Singapore thì cho tiền cũng không dám vì sợ bị phạt. Việt Nam cần một môi trường mà cộng đồng, xã hội được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội; pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật cứng rắn, tận tụy.

Ý thức vẫn là vấn đề tiên quyết và nó không tự nhiên sinh ra. Ở một số nước, con người hành xử đúng mực bởi họ sợ bị kỳ thị, tẩy chay nếu có sai sót. Kẻ trộm vặt ở Nhật có thể phải dọn nhà đi nơi khác vì không thể chịu đựng ánh nhìn khinh miệt của người khác; kẻ vứt rác bừa bãi ở Singapore sẽ phải nhớ đời nỗi xấu hổ khi bị phạt lao động công ích; tội phạm ấu dâm ở Mỹ chỉ cầu mong được biệt giam để tránh những hình phạt đáng sợ từ bạn tù. Sức mạnh của cộng đồng chính là một động lực to lớn để con người giữ mình trong khuôn khổ.

Để được như vậy, cộng đồng cần thể hiện phản ứng và tiếng nói của mình. Một lần bắt gặp hàng xóm đậu ô tô chắn cả ngã ba đường, tôi đem máy ảnh ra chụp. Chủ xe thấy vậy đã lập tức dời xe đi nơi khác.

Kết hợp các biện pháp tuyên truyền, vận động chiến dịch cải thiện hình ảnh, tác phong, lối sống, hành vi ứng xử hằng ngày. Đồng thời không thể quên việc áp dụng nghiêm các hình thức xử phạt cho những hành vi coi thường luật lệ. Trên thực tế, các hành vi như ném rác, phóng uế bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, phá hoại cây xanh… đều có chế tài rất cụ thể, vấn đề chỉ là áp dụng mà thôi.

Một số mức phạt cần lưu ý

Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, vứt vào nắp cống, hệ thống thoát nước… bị phạt từ 3 triệu đến 7 triệu đồng (Nghị định số 155/2016).

Vượt đèn đỏ xe máy bị phạt 300.000 đến 400.000 đồng, ô tô bị phạt từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng (Nghị định 46/2016).

Tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng (Nghị định 139/2017/NĐ-CP).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm