Giúp dân hiểu luật để bảo vệ mình

Sáng 15-8, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 09/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn TP.HCM.

Theo Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), hiện nay ở các địa phương, việc người dân tiếp cận pháp luật đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc do các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở phát triển chậm, chất lượng không đồng đều. Ở một số địa phương, cơ chế phổ biến thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật, thực hiện quyền làm chủ chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao. Kết quả điều tra khảo sát của vụ này cho thấy tỉ lệ người dân biết về các văn bản pháp luật mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như được tham gia ý kiến vào các chương trình, dự án kinh tế-xã hội trên địa bàn ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa đến 30%.

TS Đỗ Xuân Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), đang hướng dẫn nghiệp vụ tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

TS Đỗ Xuân Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), ví von người dân không hiểu luật không khác gì người mù đi trên một con đường mà lại thiếu chiếc gậy. Trên cơ sở những hạn chế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013 quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Quyết định này bao gồm tám tiêu chí, với 41 chỉ tiêu ứng với từng thang điểm đánh giá cụ thể, tùy theo điều kiện thực tế mà có những áp dụng phù hợp với tình hình của từng địa phương.

“Với bộ chỉ tiêu đó chúng ta hy vọng rằng hoạt động thực thi công vụ sẽ được bảo đảm, qua đó giúp cho người dân biết được quyền hạn, trách nhiệm của mình trước đời sống xã hội cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Mặt khác, người dân biết luật để kiểm tra hoạt động công vụ, làm cho việc thực thi pháp luật đúng đắn nhất và không để thiệt hại đến các quyền lợi của họ” - TS Lân nói.

Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP.HCM), đề nghị cần nghiêm túc thực hiện quyết định này; không nặng về hình thức mà phải trung thực và đánh giá đúng thực chất. Theo bà Thái, các nơi cần phải chuẩn bị đầy đủ mọi trang thiết bị, cơ sở vật chất, các điều kiện liên quan - nguồn cung ứng thông tin pháp luật; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các nguồn này khi cần thiết để từ đó người dân thực hiện quyền và bảo vệ lợi ích của mình.

TÁ LÂM

Công khai nhiều nội dung cho dân được rõ

Một trong những cách thức quan trọng giúp người dân tiếp cận pháp luật mà bộ tiêu chí đưa ra là thực hiện dân chủ ở xã, phường. Trong đó quy định phải công khai đảm bảo thuận lợi cho người dân tiếp cận và nhận biết 11 nội dung như: công khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã; công khai dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; việc sử dụng và quản lý các loại quỹ; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã… Đồng thời, người thực thi công vụ phải thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cấp xã; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính…

Các tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở

1: Giải quyết các vụ việc hành chính tư pháp.

2: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND xã, phường.

3: Phổ biến, giáo dục pháp luật.

4: Trợ giúp pháp lý.

5: Thực hiện dân chủ ở xã, phường.

6: Thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội.

7: Bộ máy đảm bảo thực hiện thiết chế pháp luật.

8: Kinh phí và cơ sở vật chất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm