Hiệp định CPTPP sẽ tác động đến Việt Nam ra sao?

Đây là đánh giá của ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến Việt Nam, chiều 9-3.

Theo ông Thái, tiêu chuẩn mở cửa thị trường đối với CPTPP rất cao. Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng.

“Hiện nay, thuế trung bình Việt Nam phải gặp khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%. Nếu thuế đưa về 0% thì tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Mặc dù Mỹ rút khỏi TPP nhưng với thị trường 500 triệu dân của CPTPP, thị trường nhiều nước CPTPP có quy mô kinh tế tương đối lớn thì lợi ích đối với Việt Nam tương đối rõ rệt”- ông Thái nhìn nhận.

Theo đại diện Bộ Công Thương, ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng sẽ được hưởng lợi như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…

Ngày 9-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra đánh giá của mình về tác động đến kinh tế Việt Nam của CPTPP. Theo đó, cơ quan này cho biết, ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%.

“Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau”- Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế WB tại Việt Nam nói.

WB cũng cho rằng, CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại, v.v.

Trước đó, ngày 8-3 (giờ địa phương), tức rạng sáng 9-3 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tham gia Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm