Án dân sự kéo dài 1/4 thế kỷ là... chuyện nhỏ!

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm ngày 30-6-2015 của TAND tỉnh Khánh Hòa, chuyển hồ sơ cho tòa tỉnh này giải quyết lại. Đó là vụ kiện đòi nhà cho ở nhờ giữa nguyên đơn là bà Lưu Thị Út và bị đơn là bà Lê Thị Nuôi (cùng ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa). Lý do hủy là bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xử sai về nội dung.

25 năm chưa giải quyết xong một vụ kiện

Vụ kiện này bắt đầu từ năm 1991, đã qua nhiều cấp xét xử. Theo hồ sơ, năm 1970, cha mẹ bà Lưu Thị Út là ông Lưu Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Bảy cho bà Lê Thị Nuôi ở nhờ một căn nhà vách ván lợp tôn, nền đất rộng 71,5 m2 tại số 171 đường 2 tháng 4, TP Nha Trang. Hai bên không làm giấy tờ, cũng không hẹn thời gian trả.

Năm 1986, ông Châu qua đời. Năm 1991, mẹ con bà Út kiện đòi nhà. Đến năm 1993, bà Bảy mất, bà Út tiếp tục kế thừa tố tụng của cha mẹ đòi tài sản thừa kế.

Trong khi đó, bị đơn là bà Nuôi có nhiều lời khai khác nhau, có lúc cho rằng vợ chồng ông Châu cho thuê nhà, khi khác lại khẳng định đã mua căn nhà này từ năm 1975. Bà Nuôi xuất trình giấy bán nhà lập ngày 30-12-1982, có nội dung ông Châu, bà Bảy bán cho bà Nuôi căn nhà tôn vách ván… Bà Nuôi cho rằng bà Út muốn lấy lại nhà thì hai bên phải thỏa thuận thanh toán tiền mua nhà cùng công sức gia đình bà Nuôi bồi đắp, tôn tạo…

Kết quả giám định cho thấy chữ ký bà Bảy là giả, riêng chữ ký của ông Châu thì “có khả năng do một người ký ra…”, còn chữ viết bên mua không phải của bà Nuôi.

TAND TP Nha Trang và TAND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần xét xử, đưa ra những phán quyết khác nhau. Năm 2013, chánh án TAND Tối cao kháng nghị tái thẩm. Năm 2014, TAND Tối cao có quyết định tái thẩm, chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại theo thủ tục chung.

Quay về điểm xuất phát

Ngày 30-6-2015, VKSND tỉnh Khánh Hòa phối hợp TAND tỉnh này tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử có ghi hình để rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự trên. Dự phiên tòa có hơn 30 cán bộ lãnh đạo, kiểm sát viên của VKSND tỉnh.

Bản án sơ thẩm xử lại lần này có nội dung phán quyết hoàn toàn khác với các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tái thẩm. Theo đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi nhà cho ở nhờ của nguyên đơn, công nhận việc ông Lưu Ngọc Châu có bán một phần nhà đất cho bị đơn với diện tích trên 50 m2, buộc bị đơn phải giao trả diện tích còn lại cũng trên 50 m2 cho nguyên đơn.

Sau đó, nguyên đơn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm này vì cho rằng phán quyết lần này của tòa đã vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ, xử quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo nguyên đơn nhận định, quyết định của bản án sơ thẩm lần này cũng khác hoàn toàn nội dung mà TAND Tối cao đã phân tích và yêu cầu cấp sơ thẩm phải khắc phục khi xét xử lại trong quyết định tái thẩm.

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, VKSND tỉnh Khánh Hòa và VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đều thống nhất với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa đối với vụ án này.

Tuy nhiên, xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét trong phạm vi diện tích ngôi nhà tranh chấp mà lại căn cứ vào kết quả kiểm tra, thẩm định thực tế để đưa 115,7 m2 đất vào giải quyết tranh chấp là vượt quá phạm vi yêu cầu của nguyên đơn, trái với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Về nội dung giải quyết vụ án, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã phân tích hàng loạt điểm sai và phán quyết thiếu căn cứ của cấp sơ thẩm.

Phán quyết hủy án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đồng nghĩa với vụ kiện lại quay về xuất phát điểm ban đầu sau hơn 1/4 thế kỷ. Và các đương sự lại tiếp tục chờ đợi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...