Đề xuất sửa 119 điều trong BLHS 2015

Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 sẽ được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra vào phiên họp toàn thể diễn ra đầu tháng 9 tới và được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 10.

Chỉ sửa lỗi không giải thích, hướng dẫn được

Đại diện tổ biên tập, ông Nguyễn Văn Hoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS được xác định trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại cuộc họp liên ngành ngày 19-7 vừa qua. Theo đó, lần sửa đổi, bổ sung này tập trung vào việc sửa các lỗi kỹ thuật không thể giải thích, hướng dẫn được, nếu không sửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc áp dụng thống nhất pháp luật cũng như ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích của người phạm tội. Những lỗi kỹ thuật có thể giải thích, hướng dẫn được hoặc không ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất pháp luật (như câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy chưa chuẩn xác, lỗi chính tả…) thì chưa sửa lần này.

Đối với các lỗi kỹ thuật liên quan đến chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, nói chung, sẽ không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung lần này vì chưa được áp dụng trong thực tiễn nên “chưa thể đánh giá, nhận xét về tính đúng đắn, khả thi cũng như tính thực tiễn của các chính sách này”. Hơn nữa, trong phạm vi của một luật sửa đổi, bổ sung thì chưa thể có điều kiện để xem xét, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến chính sách hình sự.

Tuy nhiên, ông Hoàn cho biết cũng có thể xem xét sửa lỗi liên quan đến chính sách cụ thể trong một số điều luật để bảo đảm tính nhất quán của chính sách thể hiện trong điều luật đó, cũng như bảo đảm tính logic, tránh trùng lặp, chồng lấn giữa các khoản trong cùng điều luật.

Một phiên xử lưu động về tội mua bán trái phép chất ma túy tại quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trên quan điểm này, tổ biên tập đề xuất sửa đổi, bổ sung 119 điều của BLHS 2015. Trong số này, 97/119 điều đã thống nhất được về nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung; còn 22/119 điều chưa thống nhất được phương án sửa đổi. Nội dung chưa thống nhất được phương án sửa đổi tập trung vào mức định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây ô nhiễm môi trường, việc xuất hiện mới một số cây có chứa chất ma túy và việc có hay không quy định tính độ tinh khiết đối với chất ma túy tại một số tội phạm về ma túy…

Cũng theo ông Hoàn, hiện có khoảng 16 điều luật khác mà tổ biên tập đã thảo luận nhưng chưa có ý kiến thống nhất về việc có sửa đổi, bổ sung hay không, cần báo cáo xin ý kiến ban soạn thảo. Đây là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…

Tội phạm ma túy: Không tính độ tinh chất?

Liên quan đến nhóm tội phạm về ma túy, lỗi kỹ thuật được sửa thống nhất là thay thế từ “số lượng” bằng từ “khối lượng” (từ Điều 248 đến Điều 252 BLHS 2015). Ngoài ra, mức định lượng quy định tại Điều 249 và Điều 250 sẽ được sửa để bảo đảm nối tiếp, không trùng lắp giữa các khoản.

Một trong những nội dung mà tổ biên tập xin ý kiến ban soạn thảo liên quan đến việc có quy định cụ thể “không tính theo độ tinh khiết” đối với các chất ma túy trong các tội phạm về ma túy hay không. Theo tổ biên tập, hiện nay trong thực tiễn, các cơ quan tố tụng đang có cách hiểu khác nhau về khối lượng, thể tích chất ma túy. Do vậy, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc khối lượng, thể tích chất ma túy trong cấu thành tội phạm về ma túy sẽ “không tính theo độ tinh khiết”. Trong khi đó, ý kiến khác đề nghị quy định về “khối lượng, thể tích chất ma túy” như BLHS 2015 là phù hợp vì các chất ma túy hiện đang được mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép đều là hợp chất, không có tinh chất…

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, việc đấu tranh với tội phạm ma túy thời gian qua gặp nhiều khó khăn do vướng ở chỗ xác định lượng ma túy thu giữ được là tinh khiết hay thô. “Cuối năm 2015, có nơi tội phạm ma túy giảm tới 200% do chúng ta không thụ lý được, sợ không có tội, sau khi quay lại áp dụng quy định cũ thì lại tăng lên 40%-50%” - ông Phàn cho biết. Từ đó, ông Phàn đề nghị phải quy định rõ trong luật là “không tính theo độ tinh khiết” đối với các chất ma túy.

Quan điểm của ông Phàn đã nhận được sự đồng tình của Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra 1 (TAND Tối cao) Vũ Thế Đoàn. Trong khi trước đó, quan điểm chính thức của TAND Tối cao về vấn đề này là khi thu giữ các chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đều phải giám định hàm lượng chất ma túy để xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Chỉ giám định hàm lượng trong một số trường hợp

Từ ngày 30-12-2015, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 8/2015 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp, khi thu giữ được các chất nghi ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy chỉ cần trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu được. Việc trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy chỉ bắt buộc trong một số trường hợp như chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Thông tư này ra đời thay thế cho Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm