Kiện vì 36 con bò sữa bị tiêu hủy

Ngày 27-1, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) xử vụ ông Lê Tấn Hữu kiện yêu cầu hủy quyết định của Chủ tịch UBND huyện Củ Chi về việc tiêu hủy 36 con bò sữa của ông. Sau phần thẩm vấn, tòa quyết định chuyển hồ sơ cho TAND TP.HCM giải quyết sơ thẩm theo đúng thẩm quyền.

Vừa bị tiêu hủy vừa bị phạt

Tại tòa, ông Hữu trình bày ngày 10-8-2014, ông mua 40 con bò sữa (đang mang thai) từ Long An về xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi để nuôi. Do trong đàn có một số con khó đi nên ngày 14-8-2014, ông yêu cầu đoàn kiểm tra thú y huyện đến chữa trị. Tại đây, đoàn ghi nhận đàn bò có 20 con nghi bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Chiều cùng ngày, Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) đến lấy mẫu máu và một số mẫu dịch hầu họng để xét nghiệm. Hôm sau, các cơ quan liên quan tiếp tục đến làm việc.

Ngày 29-8-2014, chủ tịch UBND huyện Củ Chi ra quyết định tiêu hủy 36 con bò trong đàn vì có kết quả dương tính với virus LMLM type A. Huyện buộc ông Hữu phải chịu chi phí của việc tiêu hủy đàn bò với số tiền hơn 133 triệu đồng. Ngoài ra, do đàn bò được ông Hữu vận chuyển từ tỉnh khác về mà không có giấy phép kiểm dịch nên ông còn bị phạt hành chính hơn 20 triệu đồng.

Quyết định tiêu hủy đàn bò được căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, Cơ quan Thú y vùng VI. Nhưng kết quả này được xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thu thập vào ngày 15-8.

Theo ông Hữu, ngày 15-8, các cơ quan chỉ đến làm việc chứ không tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm. Ông không ký tên vào biên bản lấy mẫu. Vì vậy ông khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định này.


Ngoài mất cả đàn bò, quyết định của ủy ban còn buộc ông Lê Tấn Hữu phải chi trả chi phí tiêu hủy và nộp phạt hơn 150 triệu đồng. Ảnh: LỆ TRINH

Xét nghiệm mẫu một con, tiêu hủy cả đàn?

Về vấn đề này, đại diện Chi cục Thú y TP.HCM lý giải: Buổi làm việc ngày 15-8, cán bộ thú y có tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm ở chỗ mụn nước mới vỡ để phân lập chủng virus LMLM. Việc lấy mẫu có lập biên bản (có chữ ký của ông Hữu), có giao cho ông Hữu một bản nhưng có lẽ ông đã làm mất. Trạm thú y huyện giữ một bản nhưng vì lý do khách quan cũng đã thất lạc. Tuy nhiên, trong tài liệu vẫn còn lưu giữ được bản scan từ bản chính của biên bản lấy mẫu.

Trong bản khai nộp cho tòa, ông Võ Văn Hiếu, nguyên cán bộ Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị (người làm chứng), cho rằng ngày 15-8-2014 ông nhận được điện thoại nhờ qua hỗ trợ lấy mẫu tại trại bò ông Hữu. Việc lấy mẫu không được lập biên bản. Ông xác nhận mẫu do chính tay ông lấy tại trại là “bệnh phẩm biểu mô”. Tuy nhiên, mẫu từ trạm gửi đi yêu cầu xét nghiệm lại là dịch mụn nước. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm không ghi số tai bò. Trong khi trước đó, ngày 14-8-2014, Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị có lập danh sách lấy mẫu máu số tai của 40 con bò sữa.

Trước ngày đoàn kiểm tra, cán bộ phòng nhận mẫu có nhờ ông Hiếu viết biên bản lấy mẫu xét nghiệm ngày 15-8-2014 tại trại ông Hữu. Ông không viết vì tự ý thức được viết biên bản lấy mẫu xét nghiệm mà không có chủ hộ chăn nuôi và cán bộ thú y ký là không đúng quy định.

Ông Hiếu đưa ra nhiều nghi vấn. Cụ thể, theo kết quả xét nghiệm thì trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị chỉ lấy được có một bệnh phẩm (dịch mụn nước). Điều đó chỉ có thể chứng tỏ rằng trong 40 con chỉ có một con bị bệnh. Nếu chỉ có một con bò sữa bệnh mà tiêu hủy hết 40 con (39 con còn lại đâu có bệnh LMLM) là không đúng quy định về việc xử lý ổ dịch.

“Mặt khác, trong 40 con bò sữa của ông Hữu đều có ký hiệu số tai mà trong kết quả xét nghiệm không có số tai nào là của bò nhà ông Hữu. Vậy mẫu bệnh phẩm dịch mụn nước này là của con bò nào? Giả thiết 40 con bò sữa nhà ông Lê Tấn Hữu bị bệnh LMLM thì tại sao Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị chỉ lấy được có một mẫu bệnh phẩm dịch mụn nước?” - ông Hiếu đặt vấn đề.

Qua thẩm vấn, tòa cho rằng chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký quyết định tiêu hủy đàn bò là thừa ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM nên TAND huyện Củ Chi không có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Từ đó, tòa quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, chuyển hồ sơ đến TAND TP.HCM để giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm