Vụ công an xã đánh chết học sinh: Đã có kết luận điều tra lại

Đây là vụ án đã từng gây xôn xao dư luận liên quan đến em học sinh Tu Ngọc Thạch bị hai công an xã Vạn Long đánh chết mà qua hai phiên xét xử, trong phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Vạn Ninh để điều tra, xét xử lại để làm rõ một số chi tiết của vụ án.

Ngày 17-8, một nguồn tin cho biết Công an huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã có kết luận điều tra lại vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Cơ quan CSĐT Công an huyện Vạn Ninh đề nghị VKSND cùng cấp truy tố hai công an viên xã Vạn Long tội bắt người trái pháp luật là Lê Minh Phát (25 tuổi), Lê Ngọc Tâm (32 tuổi). Ngoài tội danh này, Lê Minh Phát còn bị đề nghị truy tố tội cố ý gây thương tích, cùng với Lê Tấn Khỏe (sinh ngày 10-4-1999, ngụ xã Vạn Long).

Theo kết luận điều tra lại, lúc 15g30 chiều 29-12-2013, Lê Tấn Khỏe cùng một nhóm thiếu niên đang ngồi uống nước mía tại quán đối diện trụ sở UBND xã Vạn Long thì nhìn thấy em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) được anh trai chở ngang qua. Xuất phát từ mâu thuẫn tối hôm trước, Khỏe cầm chai nước khoáng bằng thủy tinh đuổi theo, ném trúng vào đầu của Thạch, làm vỏ chai vỡ, còn Thạch chúi nhào, té xuống đường rồi chống tay chồm đứng dậy, chạy về quốc lộ 1. Khỏe tiếp tục đuổi theo, dùng chai nước khoáng ném trúng vào đầu em Thạch làm vỏ chai bị vỡ. Thạch té nhào xuống đường, sau đó đứng dậy tiếp tục bỏ chạy. Khi dừng lại, bạn bè kiểm tra thì thấy trên đầu Thạch có vết rách sưng nề, xung quanh có dính nhiều mảnh vỡ thủy tinh, bàn tay, cẳng tay bị trầy xước. Sau đó, Thạch được bạn bè chở đi tìm Khỏe và hai bên đã giải hòa.

Cùng lúc này, nghe tin nhóm Thạch chạy đi tìm đánh Khỏe nên Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm đến báo tin cho ông Lê Văn Dũng (cha Khỏe, cũng là công an viên xã Vạn Long). Lúc này, Phát và Tâm không báo cáo cho trưởng công an xã và cũng không được ai phân công đi giải quyết sự việc. Khi nhìn thấy em Thạch đang đứng ở quốc lộ, Tâm điện thoại cho Phát. Tiếp đó, Phát điện thoại cho ông Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Phước đến phối hợp truy bắt em Thạch. Thấy Phát và Tâm đến, em Thạch hoảng sợ bỏ chạy xuống ruộng thì bị Phát đuổi theo, ôm giật Thạch ngã xuống ruộng nước. Thạch vùng dậy chạy thì bị Phát cầm mũ bảo hiểm ném theo, trúng vào lưng em Thạch, làm mũ rơi xuống đường. Phát tiếp tục đuổi theo nhưng không kịp. Lúc này, Huỳnh Trung Thắng cũng vừa đến nơi rồi cùng Phát đi tìm Thạch. Thắng chở Phát chạy ra quốc lộ thì phát hiện em Thạch đang núp trong bụi cây dưới lề đường. Thắng đến nắm tay em Thạch dẫn ra khỏi bụi cây, giao cho Phát rồi bỏ đi. Phát dùng còng số 8 còng tay em Thạch ra sau lưng. Khi em Thạch chống cự, Phát dùng tay đánh vào mặt Thạch làm em ngã xuống đất. Tiếp đó, Phát dùng chân đạp lên người em Thạch rồi kéo Thạch ra đường, dẫn đi. Trên đường đi, Phát tiếp tục dùng tay đánh nhiều cái vào hai bên mang tai và mặt em Thạch. Lúc này, Lê Ngọc Tâm đi xe máy đến chở em Thạch và Phát về trụ sở UBND xã Vạn Long.

Tại phòng làm việc Công an xã Vạn Long, Phát tiếp tục dùng tay đánh vào ngực, sườn, đầu em Thạch. Sau đó, Công an xã Vạn Long cho gia đình bảo lãnh về nhà. Về đến nhà, em Thạch ói mửa, đến sáng hôm sau được gia đình đưa đi cấp cứu và tử vong tại BV Đa khoa Khánh Hòa vào sáng 31-12-2013. Trung tâm Pháp y Khánh Hòa kết luận nguyên nhân làm em Thạch tử vong là do chấn thương sọ não, hoàn toàn phù hợp tác nhân là vật tày tác động tương hỗ vào vùng đầu.

Kết luận giám định ngày 17-6 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa không có căn cứ xác định Phát nắm mũ bảo hiểm đánh em Thạch dẫn đến mũ bảo hiểm bị rạn nứt; việc rạn nứt ở mũ bảo hiểm do nhiều yếu tố tác động ngoài trời! Do đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Vạn Ninh cho rằng có căn cứ chứng minh là Phát không dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu em Thạch.

Kết quả điều tra lại của Công an huyện Vạn Ninh cũng cho rằng việc Huỳnh Trung Thắng phối hợp với Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm bắt giữ em Thạch là theo quy chế phối hợp giữa công an các xã. Việc làm của Thắng là thực hiện đúng nhiệm vụ theo sự phân công phối hợp, không có căn cứ xử lý Thắng về hành vi bắt người trái pháp luật.

Hai cựu công an viên xã Vạn Long tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. Ảnh: TẤN LỘC

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 12 đến 14-11-2014,  TAND huyện Vạn Ninh tuyên phạt Lê Minh Phát sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích, chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là sáu năm chín tháng tù; Lê Ngọc Tâm chín tháng tù cho hưởng án treo về tội bắt trái pháp luật, Lê Tấn Khỏe ba năm tù về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, gia đình bị hại, bị cáo Phát và gia đình bị cáo Khỏe đều kháng cáo. Trong đó, gia đình người bị hại không chấp nhận việc tòa xử các bị cáo Phát, Tâm tội cố ý gây thương tích mà yêu cầu cấp phúc thẩm phải xử tội giết người; đồng thời yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét các tình tiết tăng nặng đối với hai bị cáo này. Gia đình bị cáo Khỏe và bị cáo Phát kháng cáo kêu oan.

Vụ công an xã đánh chết học sinh: Đã có kết luận điều tra lại ảnh 2
Bị cáo Lê Minh Phát (cựu công an viên) lao đến đạp ghế tòa án sau khi nghe tòa sơ thẩm tuyên án. Ảnh: TẤN LỘC 

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong hai ngày 22 và 23-3, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 12-11-2014 của TAND huyện Vạn Ninh để điều tra, xét xử lại. Bản án phúc thẩm nhận định: cấp sơ thẩm chưa xem chiếc mũ bảo hiểm của Lê Minh Phát mà cơ quan điều tra thu giữ tại hiện trường là vật chứng vụ án để xác định Phát có dùng chiếc mũ này đánh em Thạch hay không. Cơ quan điều tra cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật với vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Long. Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm đã không áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Phát là phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội đối với trẻ em khi lượng hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm