Hàng ngàn người Australia cùng khỏa thân vì nghệ thuật

Tunick, từng chụp nhiều bức ảnh nude tập thể gây tranh cãi, cho biết những tác phẩm mới nhất mà ông tạo ra là nhằm nói tới sự dễ tổn thương của con người trong bối cảnh cuộc sống dữ dội nơi thành thị.

Thông điệp của da thịt

5.200 người tụ hội ở Nhà hát Opera Sydney hôm 1/3 để giúp đỡ Spencer Tunick là những cá thể khác nhau. Có người cao, người thấp, gầy hoặc béo, già hoặc trẻ. Có cả người đồng tính, chuyển giới và một phụ nữ mang bầu sắp tới ngày sinh. Tuy nhiên mấy ngàn con người đó có một điểm chung là họ hoàn toàn trần trụi, không một mảnh vải che thân.

Hàng ngàn người Australia cùng khỏa thân vì nghệ thuật ảnh 1
Hơn 5.000 con người đã phủ kín các bậc thềm của Nhà hát Opera Sydney
Những người này đã tập hợp trước bình minh ngày 1/3 để tham gia hoạt động chụp ảnh khỏa thân tập thể với chủ đề The Base của Tunick. Khi mặt trời ló dạng, Tunick đã hướng dẫn các tình nguyên viên tiến hành nhiều kiểu tạo dáng khác nhau trên bậc thềm của Nhà hát Opera Sydney. Tất cả họ đã đứng, nằm úp mặt và thậm chí ôm lấy nhau suốt hơn một tiếng đồng hồ. “Tôi muốn tất cả các cặp ôm nhau, tất cả bạn bè hãy hôn nhau, những người không quen có thể làm gì tùy thích” - Tunick vừa điều khiển đám đông, vừa bấm máy.

Các tác phẩm của Tunick đã trở nên quá nổi tiếng, tới mức nhiều người Australia tìm đủ cách để được tham gia buổi chụp ảnh. Đơn cử như cặp vợ chồng Amanda và Chris Burke sống tại Sydney đã tạm hoãn kế hoạch cho hai đứa trẻ sinh đôi của họ chào đời, chỉ để có thể tham gia chụp ảnh với Tunick. “Ngay sau khi có mặt trong tấm hình, chúng tôi sẽ phi như bay ra xe taxi” - chị Burke nói với tờ Sun Herald khi đang ôm lấy chiếc bụng bầu - “Chúng tôi luôn ngưỡng mộ các tác phẩm của Spencer nên có thể đặt mọi thứ lại phía sau”.

Nhiều tình nguyện viên cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy các bức ảnh của Spencer hoàn toàn không gợi dục, bất chấp việc có hàng ngàn cơ thể trần trụi tập hợp tại một chỗ. Một số người khác còn đánh giá phương thức làm nghệ thuật của ông mang tính giải phóng, tự do. Sinh viên Art Rush, 19 tuổi, tâm sự anh tưởng rằng sẽ chỉ có “những người già và người thích khỏa thân” tham dự song thực tế lại khác hẳn. Rush cho đây là trải nghiệm có một không hai trong đời. “Tôi hoàn toàn không thấy gợi dục, chỉ có cảm giác mình đang thuộc về một bộ tộc, một sự kết nối con người” - Rush nói.

Steven Anglier, người đã phải đội tóc giả để không bị thân nhân nhận ra, bày tỏ sự ngạc nhiên: “Ban đầu, tôi nghĩ việc tham gia chụp ảnh khỏa thân có thể khiến mình phải đỏ mặt một chút. Nhưng thực tế mọi chuyện diễn ra thật vui vì bạn sẽ cảm thấy như mình vẫn đang mặc quần áo, bởi mọi người đều giống hệt bạn”.

Tunick, 43 tuổi, cho biết tác phẩm mới của ông không có ý nói tới chủ nghĩa phô trương hay gợi dục mà muốn nêu bật sự dễ tổn thương của con người trong cuộc sống dữ dội nơi đô thị.

Hàng ngàn người Australia cùng khỏa thân vì nghệ thuật ảnh 2
Tunick sáng tác trước cơ thể trần trụi của các tình nguyện viên
“Vua ảnh nude tập thể”

Tunic là người đam mê việc chụp ảnh nude. Ông từng tuyên bố: “Mỗi cơ thể là một thực thể sống. Nó đại diện cho cuộc sống, tự do, nhục dục và là cơ chế để chuyển tải các ý nghĩ của chúng ta. Mỗi cơ thể luôn là điều đẹp đẽ với tôi”. Tunick đã bắt đầu quay phim và chụp ảnh khỏa thân tập thể kể từ năm 1992. Ông đã tổ chức khoảng 100 buổi chụp ảnh như thế, liên quan tới hàng người tại nhiều nước trên thế giới gồm Anh, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan...

Cụ thể, hồi tháng 6/2003, Tunick đã chụp ảnh 7.000 người khỏa thân ở Barcelona, Tây Ban Nha. Tháng 6/2004, ông lại quy tụ được 2.754 người ở Mỹ. Tháng 7/2005, Tunick đã chụp ảnh 1.700 tình nguyện viên khỏa thân cạnh một bến cảng ở Newcastle, Anh. Tháng 9 cùng năm, ông sang Pháp để ghi hình 1.493 người khỏa thân ở Lyon. Tháng 3/2006, Tunick bay tới Venezuela để làm nghệ thuật cùng 1.500 người khỏa thân ở Caracas. Ngày 6/5/2007, gần 18.000 người đã tạo dáng cho Tunick chụp ảnh tại thủ đô của Mexico. Đó cũng là lần có nhiều người nhất tham gia giúp Tunick làm nghệ thuật.

Dĩ nhiên không phải lúc nào người ta cũng hăm hở giúp Tunick hoàn thành mục tiêu. Hồi năm 2008, ông kêu gọi 2.008 người hâm mộ bóng đá tới sân vận động Ernst Happel ở Áo để chụp ảnh nhân dịp EURO 2008. Tuy nhiên chỉ có 1.860 tình nguyện viên xuất hiện. Một số nhà chức trách đã tỏ ra không có thiện cảm với Tunick, đặc biệt là tại Mỹ, nơi ông bị bắt tới 7 lần vì tội chụp ảnh khỏa thân tập thể.

Được biết hoạt động chụp ảnh vừa diễn ra cũng là lần đầu tiên Tunick làm nghệ thuật tại Sydney. Trước đó, ông đã đặt chân tới xứ sở kangaroo hồi năm 2001, nhưng chỉ chụp ảnh khỏa thân tập thể với 4.500 người ở Melbourne. Sau khi việc chụp ảnh mới đây hoàn tất, Tunick cho biết mọi chuyện đã diễn ra hoàn hảo ngoài sức tưởng tượng. “Tôi thật may mắn vì lần này đã có thể quy tụ được rất nhiều người khỏa thân thuộc giới đồng tính nam, nữ và cả những người chuyển giới trong tác phẩm của mình” - ông nói.

Theo Tường Linh (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm