Andrei Illarionov một thời là cố vấn cho Tổng thống Putin nhưng đến nay đã trở thành người chỉ trích ông. Ông này cho rằng Tổng thống Putin có thể đang nghĩ cách “giành lại” Ukraine mà không phải mở màn một cuộc chiến tranh.
“Mục tiêu của Putin vẫn là giành lại quyền kiểm soát đối với Ukraine nhưng tôi cho rằng lúc này ông ấy đang tính toán có thể làm được điều đó mà không cần điều động tới xe tăng”, ông Illarionov bình luận trên tờ Daily Beast.
Ông dự đoán Tổng thống Putin sẽ duy trì các lực lượng Nga dọc theo biên giới với Ukraine và hậu thuẫn cho các lực lượng li khai ở các khu vực phía đông Ukraine gồm Donetsk, Kharkiv, Lugansk và bây giờ là Sloviansk.
Ông Illarionov cho rằng mục đích của ông Putin là nhằm làm chính trường Ukraine bất ổn, làm suy yếu các cơ quan chính quyền Ukraine và giúp các đồng minh chính trị của Nga giành lại quyền lực ở Kiev.
Các nhà hoạt động thân Nga biểu tình trước tòa nhà chính quyền ở Donetsk thuộc miền đông Ukraine, ngày 3/3. |
Ông Illarionov đưa ra bình luận trên trong lúc tình hình các khu vực miền Đông Ukraine đang có những dấu hiệu “nối gót” số phận của bán đảo Crimea. Tuần trước, những nhà hoạt động thân Nga đã chiếm các tòa nhà chính quyền tại 3 trong số các thành phố nói trên. Đáp lại, Kiev liên tục đưa ra những lời đe dọa nhưng cuối cùng lại đề nghị tăng quyền tự trị và giảm quyền lực của chính quyền trung ương cho các vùng của Ukraine.
Nhằm xoa dịu tư tưởng li khai và bất mãn của các vùng trên, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk nhắc lại lời đề nghị chuyển giao bớt quyền lực. Ông nói rằng các cơ quan chính quyền cấp tỉnh do Kiev chỉ định đã trở thành quá khứ và “quyền điều hành các vùng phải được chuyển giao địa phương đó”.
Mặc dù các chính trị gia ở Kiev không đề cập tới việc đưa Ukraine thành quốc gia theo thể chế liên bang, Nga khăng khăng ủng hộ thể chế này. Điện Kremlin cho rằng một Ukraine thời kỳ hậu Yanukovych nên để cho các vùng tự kiểm soát thuế và thậm chí có thể theo đuổi các chính sách kinh tế và ngoại giao khác với chính quyền liên bang.
Theo Moscowtimes (thời báo Mátxcơva), Nga giải thích lí do ủng hộ thể chế liên bang là trong 20 năm tồn tại dưới tư cách một quốc gia độc lập và thống nhất, Ukraine không thể nào hợp nhất và quản lý có hiệu quả các vùng phía tây, phía đông, miền nam và miền trung.
Mátxcơva cho rằng nếu đi theo thể chế liên bang, Ukraine có thể trở thành một quốc gia trung lập đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của các dân tộc thiểu số - đặc biệt là cộng đồng người nói tiếng Nga ở nước này.
“Chúng tôi thực sự cho rằng việc thay đổi sâu sắc thể chế (của Ukraine) là điều cần thiết. Nói thật thì chúng tôi không thấy có con đường nào giúp Ukraine phát triển bền vững ngoài con đường trở thành một quốc gia liên bang”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Trong khi ông Lavrov phủ nhận Nga “dính líu” tới các cuộc biểu tình ở miền đông và miền nam Ukraine, ông Illarionov cho rằng ít nhất 2.000 nhân viên tình báo Nga đang hoạt động ở miền đông Ukraine.
Cũng theo ông Illarionov, Nga có thể sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới theo hướng có lợi cho mình.
Trong khi ông Putin bóng gió ủng hộ cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, có tin đồn rằng “nữ hoàng cách mạng Cam” đã gây sức ép với chính quyền mới ở Ukrain tránh đối đầu với Nga.
Các nguồn tin trong giới kinh doanh Ukraine cho hay thông qua các đồng minh, bà Tymoshenko cũng thông qua các đồng minh để ngăn chặn Kiev kí một thỏa thuận về linh kiện hạt nhân với Mỹ để chuyển hợp đồng đó cho một công ty của Nga.
Bà Tymoshenko là một trong hai ứng cử viên sáng giá của cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới. Ứng cử viên còn lại là tỷ phú Petro Poroshenko, nhà tài phiệt ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovych.
Rõ ràng, nếu bà Tymoshenko trở thành tổng thống tiếp theo của Ukraine, nước này lại trở thành “người anh em” của Nga và Tổng thống Putin không tốn một viên đạn hay một binh sĩ nào.
Theo Tùng Lâm (Infonet)