Bộ trưởng GTVT: 'Cổ phần hóa tốt', ĐBQH: 'Thất thoát nhiều'

Giải trình trước QH chiều nay, 28-5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng chủ trương CPH là "đúng đắn, buộc phải thực hiện và nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả cao".

Theo ông, hầu hết doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành giao thông sau CPH đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Cụ thể, từ năm 2011-2016, 18 tổng công ty của ngành GTVT chuyển sang mô hình công ty cổ phần ghi nhận doanh thu tăng 15%, lãi sau thuế tăng 194% (bình quân mỗi năm tăng trên 40%); thu nhập người lao động tăng 32% trong bốn năm.

Giai đoạn này có 137 doanh nghiệp ngành giao thông được CPH, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao, thu về hơn 2.700 tỉ đồng, tăng 600 tỉ đồng so với định giá ban đầu (2.153 tỉ đồng).

"Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau CPH đều hoạt động hiệu quả, ngày càng tốt hơn. Bộ Giao thông chủ trương những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì cần đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng" - ông Thể nói.

Thông tin của Bộ trưởng Thể đưa ra đã bị ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận lại.

ĐB Nhưỡng chỉ rõ “hai trường hợp” CPH doanh nghiệp ngành giao thông và đề nghị ông Thể kiểm tra lại. Trường hợp thứ nhất ĐB Nhưỡng nêu vụ CPH Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam mà ông từng kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ thanh, kiểm tra vào kỳ họp 3 của QH khóa 14.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Ông hỏi: Tại sao 10 DNNN với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của Nhà nước mà chỉ định giá 327 tỉ đồng, tức chỉ tương đương một căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo là nguyên bí thư Đảng ủy, giám đốc Cảng Hà Nội.

"Nhưng vừa qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, người ta rất bất bình vì cho rằng không có vấn đề gì xảy ra. Thậm chí còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về CPH, quên cả nhà đầu tư chiến lược, thậm chí bây giờ tài sản không những hạ giá thấp mà lại còn có vấn đề để ra ngoài khối tài sản khác, không đưa vào CPH, giống như loại quỹ đen” - ĐB Nhưỡng nói.

Trường hợp thứ hai, ông Nhưỡng dẫn vụ CPH Công ty CP Hàng hóa Nội bài.

“Khi tôi gặp cử tri trên Công ty Cổ phần Hàng hóa Nội Bài có nói CPH lúc nào đến họ cũng không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng. Công ty đang làm ăn cực tốt như thế để đến bây giờ họ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được CPH theo sự chỉ định này là hằng năm phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để thuê lại. Tôi không biết như thế Nhà nước ta có được gì không, nhân dân có được gì không. Tôi không biết hiệu quả 137 doanh nghiệp CPH như nào, đề nghị đồng chí xem xét lại…”.

Theo đó, ĐB Nhưỡng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại hai trường hợp CPH mà ông nêu… để trả lời cho thắc mắc của cử tri.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm