ĐBQH: 'Có hay không đường bộ dễ chia lợi ích hơn đường sắt?'

Nói về đường sắt, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc đến lịch sử của ngành và được tiếp nhận từ năm 1936, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có hệ thống đường sắt lớn.

Ông cho rằng tám năm trước Quốc hội đã bác đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng không phủ nhận sự cần thiết nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có. Tám năm qua hầu như ngành đường sắt giẫm chân tại chỗ, phải chăng đầu tư đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Thể thừa nhận ngành GTVT tham mưu kém nên thời gian qua đường sắt lạc hậu. Nếu đường sắt có bốn giai đoạn thì hiện nay đường sắt của chúng ta đang ở giai đoạn 2, sử dụng nhiên liệu diesel.

“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm của ngành” - Bộ trưởng Thể lặp lại câu này nhiều lần trước Quốc hội.

Liên quan đến tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua, Bộ trưởng Thể cho biết hiện nay cả nước có 5.719 đường giao cắt dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trong đó, 1.519 đường giao cắt do Tổng Công ty Đường sắt bố trí nhân viên trực, còn lại là các đường cắt dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

“Trước tai nạn đường sắt, chúng tôi thành thật xin lỗi người dân, chúng tôi nhận trách nhiệm về sự yếu kém của ngành đường sắt và đang thực hiện các giải pháp cấp bách để chấn chỉnh”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về lâu dài, Bộ GTVT đang tập trung xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao và sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.

Tranh luận lại, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng nhận định của bộ trưởng do tham mưu kém là thiếu hợp lý mà vấn đề đường sắt gần như bị “bỏ rơi” thì đúng hơn. Và phải chăng đầu tư vào đường sắt khó “chia sẻ lợi ích” hơn so với đường bộ, đó là lý chúng ta không quan tâm đến đường sắt…

Giải trình, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định với tư cách cá nhân: “Bản thân tôi lấy cái tâm ra làm, nếu có vi phạm tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm