Gần 2.100 kiến nghị của cử tri được gửi đến Quốc hội

Sáng 4-6, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Theo báo cáo, thông qua gần 1.400 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được gần 2.100 kiến nghị của cử tri.

Đáng chú ý, trong số các kiến nghị này không có kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm.

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, báo cáo cho rằng chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập. Cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo dẫn chứng cử tri các TP.HCM, Bình Định và cử tri một số tỉnh, thành phố bày tỏ lo lắng trước nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng.

Sau đó, Bộ Công an trả lời: Bộ đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, huy động máy bay trực thăng của lực lượng quân đội để xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; chỉ đạo lực lượng PCCC phối hợp với cơ quan chức năng đăng phát 12.878 tin, 25.070 băng rôn, 1.008.799 tờ rơi cảnh báo nguy cơ cháy nổ... và xác định đây là kiến nghị đã giải quyết xong.

Trả lời của Bộ Công an cho thấy Bộ đã thực hiện khá nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề mà cử tri nêu. Đáng lưu ý, đây là kiến nghị cử tri phản ánh tại đợt tiếp xúc cử tri (tháng 11-2017) trước khi xảy ra vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tại chung cư Carina (TP.HCM).

Báo cáo cho rằng nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết quan tâm hơn tới phản ánh của cử tri (mang tính chất cảnh báo) tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra về bảo đảm quy chuẩn xây dựng, trang thiết bị phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà cao tầng, chung cư cao cấp, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm thì thiệt hại về người và tài sản trong các vụ cháy vừa qua có thể sẽ được giảm thiểu...

“Vì vậy, việc giải quyết, trả lời cử tri về công tác phòng, chống cháy nổ của Bộ Công an chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và nguyện vọng của cử tri” - báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ.

Báo cáo cũng cho rằng mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề mà cử tri nêu, cũng như kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại hạn chế mặc dù đã được nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng nhưng việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng.

“Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch là một trong các biện pháp để người dân thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của mình đối với các hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua đó cũng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí” - báo cáo nhận định và cho rằng công tác tiếp công dân luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và đã được quy định cụ thể trong Luật Tiếp công dân.

Việc thực hiện nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp nhưng việc công bố công khai lịch tiếp công dân định kỳ còn chưa được quan tâm triển khai đầy đủ, nghiêm túc. “Vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân, cần được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời” - báo cáo nêu.

Sẽ chuyển kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm tới UBND TP.HCM

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết ngày 29-5, Ban Dân nguyện đã nhận được báo cáo từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do Phó Trưởng đoàn Phan Nguyễn Như Khuê ký. Báo cáo này nêu một số nội dung tại cuộc tiếp xúc cử tri về việc quy hoạch, triển khai khu đô thị mới Thủ Thiêm (trong khi bản báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 đã được gửi ký đến đại biểu Quốc hội từ ngày 24-5 - PV).

Theo Ban Dân nguyện, đây là vấn đề được cử tri, phương tiện thông tin đại chúng quan tâm nên ban sẽ cố gắng xem xét, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền sớm nhất có thể. Đồng thời, sau khi chuyển kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm đến các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện sẽ đôn đốc giải quyết và có thể có những trao đổi rõ hơn trong quá trình đôn đốc giải quyết đó.

“Các kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm gửi đến Ban Dân nguyện, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm giải quyết đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, cụ thể là UBND TP.HCM. Thứ hai, đây là những khiếu nại đã tồn tại từ lâu, phức tạp, kéo dài nên chúng tôi dự kiến sẽ chuyển đến Thanh tra Chính phủ và có thể là cả Bộ TN&MT” - bà Hải cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm