Khám nghiệm hiện trường nơi Su-22U rơi

Ngày 27-7, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho hai liệt sĩ Phạm Giang Nam và Khuất Mạnh Trí, hai phi công trên máy bay quân sự Su-22U hy sinh ở làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào trưa 26-7.

Truy thăng quân hàm cho hai liệt sĩ

Cùng ngày, bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan đối với hai phi công của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Cụ thể, phi công Phạm Giang Nam truy thăng quân hàm sĩ quan từ thượng tá lên đại tá; phi công Khuất Mạnh Trí truy thăng quân hàm sĩ quan từ trung tá lên thượng tá.

Sáng nay (28-7), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu hai phi công tại nhà tang lễ BV Quân y 4, Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An). Lễ viếng đến 9 giờ ngày 28-7, sau đó thi hài hai phi công được đưa về hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ (Văn Điển, TP Hà Nội) và an táng tại quê nhà.

Gia đình, người thân, đồng đội của hai liệt sĩ đang có mặt tại Nghệ An. Do trời có mưa nên lực lượng chức năng dựng rạp che mưa trước sân và đường dẫn vào nhà tang lễ BV Quân y 4 (Quân khu 4) để chuẩn bị công tác lễ truy điệu và lễ viếng.

Cơ quan chức năng tìm kiếm các mảnh vỡ nơi khu vực máy bay Su-22U rơi. Ảnh: ĐL

Tìm được hộp đen máy bay rơi

Đến hơn 15 giờ ngày 27-7, lực lượng quân sự và cơ quan chức năng đã cơ bản kết thúc công tác tìm kiếm tại hiện trường máy bay Su-22 rơi ở làng Dừa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn có mặt tại hiện trường để thực hiện việc khám nghiệm, điều tra nguyên nhân và thực hiện các công việc khác liên quan.

Trước đó, tất cả mảnh vỡ máy bay đã được lực lượng chức năng của địa phương hỗ trợ thu gom. Có những mảnh vỡ văng ra xa hàng trăm mét và người dân nhặt được đem giao nộp cơ quan chức năng.

Các mãnh vỡ sẽ tập kết để bàn giao cho Sư đoàn 371 mang ra đơn vị tiếp tục điều tra vụ tai nạn. Việc mang những mảnh vỡ của máy bay ra khỏi hiện trường gặp khó khăn do trời mưa, đường dốc, trơn trượt.

Đại tá phi công Phạm Giang Nam. Thượng tá phi công Khuất Mạnh Trí.

Được biết hộp đen của máy bay Su-22U đã được tìm thấy gần vị trí máy bay rơi. Hộp đen vẫn còn nguyên vẹn được lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ để khai thác các dữ liệu về chuyến bay, phục vụ việc phân tích, tìm kiếm nguyên nhân chính xác gây ra vụ máy bay rơi.

Theo lời kể của những người dân làng Dừa (xã Nghĩa Yên) chứng kiến vụ tai nạn, lúc xảy ra sự cố thì máy bay ở ngay trên không phận của làng Dừa và dường như có sự cố gắng để máy bay đâm vào vách núi, ra ngoài khu vực làng.

Như chúng tôi đã thông tin, trưa 26-7, chiếc Su-22U số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Khi bay huấn luyện đến khu vực làng Dừa thì bị nạn lúc 11 giờ 35 phút làm hai phi công Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam hy sinh.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác chính sách, chủ động thăm hỏi, động viên gia đình hai phi công…

Các phi công hy sinh để lại các con rất nhỏ

Người dân xóm nhỏ gần khu thành cổ Sơn Tây, nơi gia đình Trung tá Khuất Mạnh Trí sinh sống - một trong hai phi công bị tử nạn trong vụ máy bay quân sự Su-22U rơi tại Nghệ An vào ngày 26-7 - ai cũng bàng hoàng khi hay tin dữ.

Láng giềng cho biết Trí là người hiền lành, suốt ngày vùi đầu vào học, ít khi ra đường chơi. Khi lên cấp 3, Trí “nhổ giò”, cao ngổng và cả xóm vui, tự hào khi hay tin Trí trúng tuyển phi công quân sự.

Anh Nguyễn Tất Thắng, nhà cùng ngõ với gia đình Trí, cho hay: Khi nhận tin, ai cũng bàng hoàng. Hai vợ chồng Trí sinh được hai đứa con, bé gái lớn học lớp 4, bé trai lớp 3. Vợ anh sinh năm 1982, làm bưu điện gần nhà. Trí thường xuyên đi công tác, khoảng ba năm nay anh chuyển công tác về Sóc Sơn nên thi thoảng mới về thăm.

“Ngày xưa Trí ra trường rồi công tác trong Đà Nẵng, sau đó đóng quân ở Bắc Giang nên ít khi về nhà. Mấy năm nay đơn vị ở gần mới thi thoảng về thăm nhà được. Mới thứ Bảy tuần trước Trí vừa về giỗ bố, nay thì em nó đi mãi rồi” - anh Thắng nói.

Năm 2003, bố Trí mất vì bệnh. Người mẹ làm công nhân nhà máy đường ở Sơn Tây ở vậy nuôi Trí và em gái ăn học. Em gái Trí lập gia đình, sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Chiều 26-7, nhiều đồng đội trong đơn vị đã có mặt động viên, an ủi gia đình anh. Họ hàng, xóm giềng ai cũng buồn và thương tiếc cho một người lính bay hy sinh khi đang ở độ tuổi chín nhất của đời người, một người con, người chồng, người cha trụ cột của gia đình.

Ngôi nhà nằm lọt thỏm trong ngõ nhỏ, gần thành cổ Sơn Tây. Khu đất gia đình anh ở khi xưa là ngôi nhà của ông bà ngoại. Ngôi nhà hai tầng nhỏ, trước là khoảnh sân rộng trồng nhiều loại lan.

Lúc chúng tôi đến, hàng xóm và nhiều người đồng đội của anh đã chuẩn bị mọi thứ để đón anh về. Anh Thắng bồi hồi: “Các cháu nó còn nhỏ, chưa biết gì. Thằng bé còn nói với tôi “Không biết bao giờ bố cháu về””.

Trí mất bố sớm, nay hai đứa con của anh lại mồ côi cha...

 Phi công Phạm Giang Nam cũng để lại hai con rất nhỏ. Cháu lớn bốn tuổi, cháu nhỏ chỉ hơn hai tuổi. Người vợ đang là phát thanh viên đài PTTH Thái Bình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm