Làm gạch từ tro, xỉ nhiệt điện gặp khó vì chưa có quy chuẩn

Ngày 21-8, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với UBND tỉnh liên quan đến việc giải quyết lượng tro xỉ khổng lồ tồn đọng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

 Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. 

Báo cáo về tiến độ triển khai dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: Dự án nằm ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong do Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 450 tỉ đồng. Mục tiêu dự án là sản xuất vật liệu xây không nung các loại và sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để sản xuất xi măng, bê tông ở giai đoạn tiếp theo.

Dự án sẽ xử lý khối lượng tro, xỉ than dự kiến khoảng 3.500 đến 4.500 tấn/ngày, tương đương: 1.277.500 đến 1.642.500 tấn/năm, công suất 1.095.000.000 viên vật liệu xây không nung/năm.

Đến nay, tiến độ triển khai của dự án còn rất chậm. Hiện công ty chỉ mới lắp ráp hoàn thiện 3/28 dây chuyền sản xuất; đã vận hành hai dây chuyền sản xuất gạch bốn lỗ và gạch con sâu. Tuy nhiên, do hàm lượng carbon trong tro bay không ổn định nên công ty phải tạm ngưng sản xuất gạch bốn lỗ để điều chỉnh lại tỉ lệ cho phù hợp. Mặc khác vì hàm lượng tro trong một viên gạch lớn nên máy phải đạt đến lực ép rất lớn (đây là dây chuyền đầu tiên nhà thiết kế để sử dụng 100% tro bay). Vì vậy, Công ty gặp vấn đề lỗi khuôn (do nhà sản xuất) nên phải thay đổi điều chỉnh khuôn nhiều lần để phù hợp.

Đây là vấn đề chủ yếu tác động đến chất lượng sản phẩm, qua kiểm định để đăng ký sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy chưa đạt yêu cầu. Công ty cần nhiều thời gian và chi phí để giải quyết vấn đề nhằm phù hợp với tỉ lệ carbon trong tro bay theo từng thời điểm nhận tro. Công ty chưa đưa được sản phẩm ra thị trường khi chưa hoàn tất thủ tục QCVN đối với gạch làm từ tro bay, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và nguồn tài chính để mở rộng sản xuất.

Những khó khăn trên ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải trình với các ngân hàng về việc vay vốn đầu tư của công ty. Các đơn vị ngân hàng sau khi khảo sát dự án rất e ngại trong quyết định cho vay. Vì đây là sản phẩm đầu tiên dùng tỉ lệ tro bay rất lớn (không xi măng) trong sản phẩm gạch không nung. Việc này ảnh hưởng rất quan trọng đến việc thực hiện tiến độ, kế hoạch trong xây dựng dự án và sản xuất mà công ty đã đề ra trước đây.

Hiện nay, công ty đã kiểm định quốc tế do SGS Việt Nam và kiểm định trong nước đạt hai loại gạch, gồm: gạch 10 lỗ và gạch bốn lỗ và đang chuẩn bị gửi đi kiểm định thêm ba mẫu tiếp theo. Công ty cũng đang chuẩn bị hướng kinh doanh thêm các cấu kiện bê tông đúc sẵn 100% tro, xỉ thay xi măng như: Tetrapod, dải phân cách trên quốc lộ và dùng làm nền đường giao thông và đang chờ cơ quan kiểm định báo cáo kết quả kiểm định các mẫu bê tông.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã tập trung làm rõ những nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai. Hiện nay, việc Bộ Xây dựng chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền, đường giao thông khiến việc sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, doanh nghiệp còn lúng túng khi lựa chọn và áp dụng công nghệ để sản xuất từ tro xỉ. Ngoài ra, yếu tố thời tiết tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong cũng là một nguyên nhân gây khó khăn không nhỏ đến quá trình sản xuất và xây dựng dự án, đặc biệt là công tác đảm bảo môi trường. 

Trong khi bãi tro xỉ sắp quá tải.

Thì dự án sản xuất gạch không nung lại đầu tư rất chậm và phải tạm ngưng sản xuất để điều chỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than là dự án được cử tri rất quan tâm. So với kế hoạch, dự án đã chậm tiến độ bảy tháng và chưa xác định được thời điểm hoàn thành 28 dây chuyền sản xuất. Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn chung liên quan đến sử dụng tro xỉ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình rõ ràng để đảm bảo tiêu thụ lượng tro xỉ, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khắc phục vướng mắc, đầu tư đúng tiến độ, không để dự án quan trọng kéo dài quá lâu. Song song đó, tỉnh cần tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư để tạo ra sự cạnh tranh và tiêu thụ lớn hơn… 

Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty Mãi Xanh có nhiệm vụ báo cáo, kế hoạch, cam kết tiến độ thời gian từng hạng mục công trình và thời gian đầu tư toàn bộ 28 dây chuyền sản xuất đưa vào hoạt động, gửi về Sở KH&ĐT.

Các sở, ngành, địa phương theo dõi tiến độ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trên cơ sở đó, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các luật khác có liên quan để xem xét, tham mưu UBND tỉnh thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án nếu vi phạm.

“Tro, xỉ đang là nỗi ám ảnh lớn của nhiệt điện than Vĩnh Tân. Hiện nguồn tro, xỉ của các nhà máy được xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng rất thấp so với tổng lượng thải ra hằng năm. Lượng tro, xỉ được xử lý và sử dụng còn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế.

Trong khi theo Quyết định 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ hai năm nữa, đến 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện với dung lượng chứa tối đa cho hai năm sản xuất phù hợp với quy mô, công suất của dự án” - vị này chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm