Nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỉ: Đề nghị Chính phủ xử lý

Chiều 9-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai được đánh giá là có tác động tốt đến kinh tế-xã hội nhưng lại đội vốn trên 10.000 tỉ đồng. 

Đoàn giám sát đánh giá nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng đắn, kịp thời, góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Báo cáo của đoàn giám sát cho hay giai đoạn 2011-2016 đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỉ USD.

Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước khoảng 21,5 tỉ USD, chiếm 65% tổng trị giá ký kết; cho vay lại khoảng 11,8 tỉ USD, chiếm 35% giá trị ký kết. Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho thấy vai trò quan trọng của nguồn lực vay ODA và ưu đãi nước ngoài. 

Theo đoàn giám sát, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội. Có thể kể đến các dự án tiêu biểu như: dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, dự án đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây, cầu Nhật Tân; dự án điện Phả Lại, dự án đường dây 500 KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông...

Tuy vậy, đoàn giám sát cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Điển hình như công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế khiến vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua; có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn.

Cùng đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Một số dự án có thời gian vận động, thu hút nhà tài trợ kéo dài 3-5 năm làm mất tính cấp thiết, lạc hậu về công nghệ. Ví dụ, dự án Metro TP.HCM vay của chính phủ Đức có tổng số vốn vay theo hiệp định là 137 triệu euro. Hằng năm phải trả phí cam kết 342.500 euro; tổng số phí cam kết phải trả cho dự án đến ngày 31-12-2016 là 1,358 triệu euro.

Trong số bảy tồn tại, hạn chế, đoàn giám sát còn chỉ ra hạn chế về hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao. Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, công nghệ trở nên lạc hậu do chậm tiến độ.

Căn cứ vào các báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, đoàn giám sát dẫn ra dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải tăng tổng mức đầu tư 8.160 tỉ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng; dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng. Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây điều chỉnh lần một tăng 6.001 tỉ đồng, lần hai tăng thêm 4.738 tỉ đồng; dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - dự án II điều chỉnh ba lần, từ 5.063,7 tỉ đồng lên 9.693,8 tỉ đồng (tăng 91,4%)…

Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, đoàn giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.

Đặc biệt, đối với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan ba năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch tài chính năm năm; chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của 1.155 dự án sử dụng vốn vay ODA theo Luật Đầu tư công.

Đối với những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng. Những dự án đã triển khai, cần đánh giá nửa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục. Những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án.

Đặc biệt, đoàn giám sát đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi để xảy ra các sai phạm và xử lý theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm