Nhiều vụ thiệt hại ngàn tỉ nhưng không phát hiện tham nhũng

Chiều 5-9, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nghe và thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ.

Kê khai tài sản: Có dấu hiệu mới tiến hành xác minh

Theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là hơn 1,1 triệu người (đạt 99,8%). Số lượng bản kê khai rất lớn nhưng chỉ xác minh 44 người, chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Kết quả xác minh phát hiện sáu trường hợp vi phạm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TN

Có 29 người đứng đầu ở 16 tỉnh, thành đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó năm người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật và ba người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Ngay sau khi nghe báo cáo tóm tắt, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy đặt hàng loạt câu hỏi với Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Bà nêu: TTCP nêu hạn chế là có một số bộ, ngành, địa phương nể nang, né tránh, ngại va chạm trong PCTN vì một số cấp ủy, chính quyền, nhất là một số người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức chưa gương mẫu, chưa quyết liệt. “Nếu nói không địa chỉ thế này sẽ rất khó để khắc phục hạn chế sau này. Mong Tổng TTCP giúp đại biểu nắm được một số ở đây là bao nhiêu? Số liệu bao nhiêu này thuộc những địa chỉ nào, địa phương, bộ ngành nào?” - bà Thủy hỏi.

“Chúng tôi băn khoăn vì sao chỉ có 44/1,1 triệu người kê khai được xác minh. Liệu trong số kê khai chưa được xác minh thì tỉ lệ vi phạm lớn như thế nào, vì mới chọn ra 44 người đã có sáu người vi phạm?” - bà Thủy nêu.

Cạnh đó, qua hoạt động thanh tra đã ban hành hơn 81.000 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN với số tiền kiến nghị hơn 6.100 tỉ đồng. Trong số này chỉ có 85 vụ chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tội phạm. Bà Thủy hỏi có trường hợp nào hành chính hóa hình sự, tức là đáng ra hình sự nhưng lại xử lý hành chính không?

Cuối cùng, về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, ngoài 29 người này bị xử lý, còn bao nhiêu trường hợp nữa để xảy ra tham nhũng, đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng người đứng đầu không bị xử lý? Có phải do người đứng đầu các địa phương cơ quan, đơn vị này đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng nhưng vẫn xảy ra, tức là nó nằm ngoài trách nhiệm của họ nên mới không bị xử lý?

Giải đáp sau đó, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho rằng đánh giá PCTN của các bộ, ngành, địa phương, nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt là vấn đề hết sức khó, vì mỗi bộ, ngành, địa phương có đặc điểm khác nhau.

Cũng theo ông Khái, trong hơn 1 triệu bản kê khai, khi có căn cứ như tố cáo, hay có dấu hiệu thì mới tiến hành xác minh, còn không có dấu hiệu thì các cơ quan không làm. Do vậy, nếu lấy sáu trường hợp trong 44 bản kê khai để đánh đồng trong tổng thể là không đúng.

Về câu hỏi cuối cùng của bà Thủy, Tổng Thanh tra cho rằng Luật PCTN đã quy định trường hợp miễn trừ trách nhiệm nếu người đứng đầu không thể biết được có hành vi tham nhũng. Còn những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng thì trực tiếp chịu trách nhiệm.

Tốn cả tỉ đồng kiếm chân công chức thông thường

Đánh giá về một trong những tồn tại của công tác PCTN, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN...

“Việc chạy vào ngành nọ ngành kia ai cũng biết. Khi phải tốn hàng trăm triệu hay cả tỉ đồng để kiếm một chân công chức thông thường, họ không thể trong sạch được, họ phải tìm cách thu hồi lại vốn đó” - luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, nói.

Ông Nghĩa dẫn trường hợp của Vũ Đình Duy (cựu tổng giám đốc PVTex, người đã bỏ trốn và đang bị truy nã), coi đây là điển hình của việc đi lên rất nhanh, được giao “nhiều dự án mà giờ thành vụ án… Anh Duy bây giờ vẫn đang đi đánh golf ở đâu đó cũng nên” - ông Nghĩa hài hước nói.

Ông Nghĩa cũng thể hiện sự nhất trí với chủ trương của Trung ương là xem lại các cán bộ đã về hưu, nhất là các cán bộ lãnh đạo, đứng đầu các địa phương... “Nghe trong dư luận có những lãnh đạo cực kỳ giàu có, ở cấp rất cao, bây giờ về hưu rồi. Vì sao lại giàu có như vậy, chúng ta không giải thích được. Nếu thực sự muốn chống tham nhũng cần tiếp tục điều tra...” - ông Nghĩa nói thêm.

Cũng theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhiều vụ án đưa ra xét xử, người dân hoan nghênh. Nhưng những vụ đã làm, kể cả như vụ Vinashin... đều không thấy tham nhũng bao nhiêu, dù thiệt hại cả ngàn tỉ đồng. “Chỉ thấy thiếu trách nhiệm, sai quy trình” - ông Nghĩa nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng TTCP cần lý giải việc vì sao những vụ án kinh tế lớn rất ít vụ chứng minh, điều tra được về hành vi tham ô, nhận hối lộ. “Chỗ này là bức tranh, là kết quả PCTN còn hạn chế, là câu hỏi dư luận còn đặt ra” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, quan trọng là quản lý cán bộ dưới quyền. Quản lý không được thì phải chịu trách nhiệm. Đúng ra anh phải tự nguyện từ chức vì cơ quan anh sinh ra quá nhiều vấn đề phức tạp, phiền toái cho nhân dân nhưng lại không từ chức. Còn trách nhiệm thì không thấy rõ ràng biện pháp nào hành chính, biện pháp nào hình sự, biện pháp nào kinh tế. Tôi có bình luận “nhà dột từ nóc” xuống là có cơ sở đấy.

ĐB VŨ TRỌNG KIM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm