TP.HCM đề xuất chính sách đột phá tìm người giỏi

UBND TP.HCM vừa có dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP.HCM giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

Đây là một trong những đề án nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và được áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.HCM.

Trợ cấp ngay 100 triệu đồng nếu được tuyển chọn

Mục tiêu của đề án là có chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực phát triển khoa học công nghệ chất lượng cao cho TP.HCM. Đồng thời tập trung đội ngũ trí thức có năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết, có trình độ cao, chuyên môn sâu, đi đầu trong đổi mới sáng tạo những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Theo đề án, sau khi được tuyển chọn, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được ưu đãi rất lớn về nhiều chế độ, chính sách. Trong đó, đáng chú ý về chính sách tiền lương, chuyên gia và trí thức sau khi trúng tuyển sẽ được nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng/lần nếu có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ.

Mức trợ cấp này cũng sẽ áp dụng với người có trình độ thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc, tốt nghiệp từ cơ sở nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận đồng thời có ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học trở lên được cơ quan thẩm quyền công nhận; người có trình độ thạc sĩ xuất sắc ở trong nước, loại giỏi trở lên ở nước ngoài và có từ hai công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành ISI quốc tế uy tín và tương đương.

Đối với các trường hợp còn lại sẽ được hưởng mức trợ cấp ban đầu là 80 triệu đồng.

Các nhà khoa học làm việc trong phòng cấy mô khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HTD

Ngoài tiền trợ cấp ban đầu, các chuyên gia sẽ nhận lương hằng tháng. Những chuyên gia trúng tuyển nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng sẽ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,40). Khi ký hợp đồng lần hai trở đi được hưởng lương bậc 3 (hệ số 10) và cố định cho tất cả lần tái ký hợp đồng. Còn đối với các chuyên gia hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng sẽ được hưởng lương bậc 1 (hệ số 8,80), khi ký hợp đồng lần hai trở đi được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,40) và cố định cho tất cả lần tái ký hợp đồng.

Ngoài trợ cấp ban đầu và tiền lương, chuyên gia còn được hưởng các khoản trợ cấp, phần tăng thêm thu nhập phát sinh từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… khác của đơn vị, các khoản tiền thưởng, tài trợ.

Hỗ trợ cả nhà công vụ, thủ tục cấp thị thực

Ngoài các khoản trên, mức phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các chuyên gia sẽ được nhận.

Theo đó, cứ mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ từ cấp TP và tương đương trở lên được cơ quan thẩm quyền công nhận, phê duyệt thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí, ngân sách cho công trình, đề tài đó. Tổng mức hỗ trợ không thấp hơn 50 triệu đồng/người. Trường hợp công trình, đề tài được phê duyệt vượt quá 100 tỉ đồng thì mức hỗ trợ tối đa là 1 tỉ đồng/người/công trình.

Trường hợp công trình, đề tài có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ tham gia thì phụ cấp khuyến khích không quá 1% tổng kinh phí dự án. Mức hỗ trợ khuyến khích cho tổ chuyên gia không thấp hơn 30 triệu đồng/người và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia không quá 1,5 tỉ đồng.

Về chính sách hỗ trợ về nhà ở và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học còn được TP.HCM xem xét bố trí nhà công vụ, hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân.

Chuyên gia có quốc tịch nước ngoài được hỗ trợ thủ tục cấp thị thực Việt Nam, chuyển đổi ra ngoại tệ, mang ra khỏi Việt Nam và được khen thưởng, tôn vinh… Đối với trường hợp không bố trí được nhà công vụ thì chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở nhưng không quá 7 triệu đồng/tháng.

Kinh phí để thu hút nhân tài được bố trí từ nguồn ngân sách TP.

Ai được dự tuyển?

Theo đề án này, TP.HCM sẽ tổ chức tuyển chọn, sàng lọc thông qua hai vòng: vòng sơ tuyển và sát hạch xét tuyển. Đối tượng là cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng và tư vấn pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc đối tượng tham gia đề án này.

Đối tượng dự tuyển thuộc một trong hai nhóm:

Nhóm 1: Có tuổi đời và thành tích học tập, thành tích nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu tại Điều 2 Nghị định 140/2007 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nhóm 2: Nếu không thuộc nhóm 1, ứng viên dự tuyển phải có trình độ tiến sĩ hoặc học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư. Nếu chưa phải tiến sĩ thì phải là thạc sĩ loại xuất sắc do các cơ sở trong nước kiểm định đạt tiêu chuẩn bộ GD&ĐT, hoặc tốt nghiệp loại giỏi ở cơ sở nước ngoài được công nhận. Theo đó, thời gian công tác ít nhất năm năm; đáp ứng ít nhất một trong các yếu tố: Chủ trì một đề án, đề tài cấp bộ và tương đương, người Việt Nam ở nước ngoài là một công trình khoa học cấp quốc gia/liên bang; chủ biên ít nhất một sách chuyên khảo cấp quốc gia, quốc tế được hội đồng thẩm định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm