13 cách giảm axit uric tự nhiên giúp phòng bệnh gút

(PLO)- Bệnh gút (thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng lượng axit uric trong máu gây bệnh gút là do hàm lượng purin nạp vào cao hơn mức cần thiết. Để giảm axit uric trong máu, cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Hạn chế thức ăn giàu purin

Purin có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt cầy…), thủy hải sản, nội tạng động vật, các loại đậu… Khi cơ thể hấp thu purin, gan chuyển hóa chúng thành axit uric. Tiếp theo, thận sẽ lọc, đào thải lượng axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua hệ tiết niệu.

Khi cơ thể sản sinh axit uric quá nhiều hay thận không thể loại bỏ axit uric kịp thời, lượng axit uric trong máu có thể tăng lên. Khi đó, những tinh thể muối của axit uric (sodium urat) hình thành, bám vào trong các khớp, gây viêm khớp (bệnh gút).

Vì thế, hạn chế bổ sung các loại thực phẩm giàu purin là cách giảm axit uric máu hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là “tiêu chuẩn vàng” trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gút.

bệnh gút
Bệnh gút thường khiến người bệnh chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp tay, chân, đầu gối... (Ảnh minh họa)

2. Kiêng đường

Việc tiêu thụ nhiều đường fructose (một loại đường đơn có trong nhiều thực phẩm, thức uống ngọt) có thể kích thích gan sản sinh thêm axit uric. Do đó, sử dụng thực phẩm giàu đường fructose có thể làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu.

Ngoài ra, bổ sung đường và những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể làm gia tăng nồng độ insulin trong máu. Tình trạng này có thể khiến thận giảm khả năng bài tiết axit uric, thúc đẩy tăng axit uric máu.

Vì thế, hạn chế bổ sung các loại thực phẩm nhiều đường, nhất là thức uống có gas và nước ép trái cây đóng hộp, được xem là cách giảm axit uric tự nhiên và an toàn cho người bệnh gút.

3. Uống nhiều nước

Đây là cách giảm axit uric máu tự nhiên, an toàn thông qua cơ chế thúc đẩy lưu lượng máu chảy qua thận, tạo điều kiện thuận lợi giúp thận lọc, đào thải axit uric ra ngoài.

Ngoài ra, uống nhiều nước mỗi ngày còn giúp pha loãng nồng độ axit uric trong nước tiểu, phòng ngừa tình trạng axit uric kết tủa, hình thành sỏi thận.

4. Tránh đồ uống có cồn

Rượu và bia là những thức uống có hàm lượng purin cao. Khi dùng rượu bia, purin trong các thức uống này sẽ làm gia tăng nồng độ axit uric trong gan, dẫn tới tình trạng tăng nồng độ axit uric trong máu.

Cạnh đó, hàm lượng lớn cồn trong rượu bia có thể làm giảm khả năng lọc máu của thận, ảnh hưởng tới quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.

5. Uống cà phê

Cà phê có nhiều chất chống oxy hóa. Đây là thức uống rất tốt cho người bệnh gút và người bị sỏi thận urat. Hàm lượng lớn những hợp chất polyphenol trong cà phê có khả năng ức chế hoạt động của xanthine oxidase. Đây là một loại enzyme có khả năng phân giải purin từ thực phẩm thành axit uric trong máu, từ đó giúp làm giảm nồng độ axit uric máu.

Ngoài ra, cà phê còn là thức uống lợi tiểu. Tăng cường hoạt động bài niệu của thận sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric ra ngoài nhanh chóng, làm giảm lượng axit uric trong máu. Vì thế, thức uống này chính là cách giảm axit uric tự nhiên, hiệu quả.

Một số lưu ý khi uống cà phê giúp giảm axit uric:

Việc dùng cà phê không nguyên chất (như cà phê sữa) có thể không giúp giảm axit uric.

Không phải ai cũng có thể giảm axit uric bằng thói quen uống cà phê. Hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào gen di truyền và nhiều yếu tố khác.

6. Kiểm soát cân nặng

Tình trạng thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh gút. Những người béo phì có nồng độ axit uric trong máu cao hơn người bình thường do họ bị rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể bởi chế độ ăn uống dư thừa dinh dưỡng.

thua can beo phi de bi benh gut.JPG
Thừa cân béo phì rất dễ bị mắc bệnh gút. (Ảnh minh họa)

Sự kết hợp này sẽ làm tăng mỡ máu và axit uric trong máu, đồng thời làm suy giảm khả năng đào thải axit uric. Do đó kiểm soát cân nặng giúp giảm axit uric máu tự nhiên và phòng ngừa bệnh gút hiệu quả.

Ngoài ra, mỡ bụng có khả năng tạo ra nhiều hóa chất gây viêm hơn so với mỡ tại các bộ phận khác. Vì thế, giảm cân không chỉ là cách giảm axit uric trong máu hiệu quả, mà còn giúp giảm thiểu mức độ viêm nhiễm, đau khớp khi bệnh gút bùng phát.

7. Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Khi cơ thể hấp thu nhiều chất bột đường, nồng độ insulin trong máu sẽ tăng cao. Đây là hormone kích thích cơ thể phân giải đường glucose. Bất kỳ khi nào có sự gia tăng nồng độ insulin trong máu, nồng độ axit uric huyết thanh cũng sẽ tăng theo.

Vì thế, kiểm soát lượng đường trong máu, cân bằng insulin bằng cách hạn chế ăn thực phẩm chứa đường và tinh bột nhanh, là cách giảm axit uric an toàn, phù hợp với người mắc bệnh gút.

8. Thêm chất xơ vào chế độ ăn

Chất xơ là những phân tử đường hấp thụ chậm. Khi đến hệ tiêu hóa, chất xơ tạo thành một lớp dịch nhầy bám quanh thành ruột non, giúp cơ thể hạn chế hấp thụ purin từ thực phẩm, ức chế quá trình tăng sinh axit uric. Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ là cách giảm axit uric an toàn, được nhiều bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

9. Bổ sung vitamin C

Bổ sung vitamin C có thể giúp hạ thấp nồng độ axit uric trong máu bằng một cơ chế là “hiệu ứng uricosuric” (kích thích bài niệu). Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C sẽ hỗ trợ thận hoạt động tốt hơn trong quá trình lọc và đào thải axit uric, giúp kiểm soát tốt nồng độ axit uric máu, ngăn ngừa các đợt bùng phát của bệnh gút.

10. Ăn quả cherry (anh đào)

Vì có nhiều vitamin C tồn tại dưới dạng dehydro (axit dehydroascorbic), bổ sung loại quả này trong thực đơn mỗi ngày có thể giúp giảm nồng độ axit uric máu.

Theo một nghiên cứu vào năm 2012 trên 633 người bệnh gút, ăn cherry giúp giảm 35% nguy cơ bùng phát cơn gút. Khi kết hợp quả anh đào cùng thuốc điều trị, những cơn gút cấp đã giảm tới 75%.

11. Hạn chế nhóm thuốc làm tăng axit uric

Một số thuốc có tác dụng phụ là tăng axit uric máu ở người dùng, chẳng hạn như thuốc giảm đau aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp (ACE inhibitor), thuốc bổ sung vitamin B3 (niacin), thuốc kháng lao (pyrazinamid)…

Việc ngưng dùng những loại thuốc này cũng là cách làm giảm axit uric hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi tự ý ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, tránh ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh.

thuoc dieu tri benh gut.JPG
Một số nhóm thuốc cũng làm tăng axit uric trong máu ở người dùng. (Ảnh minh họa)

12. Sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa và những chế phẩm từ sữa là các loại thực phẩm an toàn cho người bệnh mắc bệnh gút. Vì trong sữa hầu như không có purin, còn sữa chua và phô mai lại có rất ít purin (dưới 13 mg purin/100 g thực phẩm).

Đối với người mắc bệnh gút, giới hạn tiêu thụ purin an toàn mỗi ngày là 400 mg/ngày. Do đó, bổ sung sữa và những chế phẩm từ sữa có thể giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ tăng axit uric máu, ngăn ngừa sớm các đợt bùng phát bệnh gút.

13. Tránh căng thẳng, lo lắng

Tâm lý căng thẳng, lo lắng có thể gây tăng huyết áp và nồng độ hormone cortisol trong máu. Tình trạng tăng huyết áp sẽ khiến thận làm việc “vất vả” hơn trong quá trình lọc máu, khiến hoạt động đào thải axit uric diễn ra không hiệu quả.

Trong khi, gia tăng lượng cortisol trong máu có thể thúc đẩy nồng độ axit uric tăng cao. Do đó, tránh căng thẳng, lo lắng được xem là cách giảm axit uric hiệu quả, lành mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm