Ấn Độ khám xét 44 văn phòng của tập đoàn công nghệ Vivo Trung Quốc

(PLO)- Cơ quan điều tra Ấn Độ khám xét 44 văn phòng đại diện và cơ sở kinh doanh trên khắp đất nước của tập đoàn công nghệ Vivo Mobile Communications, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ Hindustan Times, cơ quan điều tra Ấn Độ ngày 5-7 đã khám xét 44 văn phòng đại diện và cơ sở kinh doanh trên khắp đất nước của tập đoàn công nghệ Vivo Mobile Communications, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc.

Diễn biến trên đến trong bối cảnh chính quyền Ấn Độ ngày càng tăng cường chú ý hoạt động của các công ty, doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc tại nước này, cũng như nghi vấn về những vi phạm về tài chính của Vivo.

Theo đó, Vivo trở thành công ty công nghệ mới nhất của Trung Quốc phải đối mặt sự giám sát của các cơ quan điều tra Ấn Độ, sau các cuộc đột kích tương tự nhằm vào các tập đoàn Xiaomi và Huawei hồi đầu năm.

Ấn Độ đột kích khám xét 44 văn phòng của tập đoàn công nghệ Vivo Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ấn Độ đột kích khám xét 44 văn phòng của tập đoàn công nghệ Vivo Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, Vivo hôm 5-7 cho biết đang “hợp tác với giới chức trách” Ấn Độ sau khi các nhà điều tra đột kích hàng chục văn phòng của công ty vì nghi vấn rửa tiền.

Người phát ngôn của Vivo xác nhận Cục Thực thi - cơ quan phòng chống tội phạm tài chính của Ấn Độ - đã đột kích nhiều địa điểm và thu giữ tài sản của công ty.

“Vivo đang hợp tác với giới chức trách để cung cấp tất cả thông tin cần thiết. Chúng tôi cam kết hoàn toàn tuân thủ luật pháp” – người phát ngôn của Vivo cho biết.

Vivo chuyên về các sản phẩm thiết bị cầm tay giá rẻ và đã chiếm 15% thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ vào năm 2021, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint.

Những năm qua, việc Vivo tài trợ cho các sự kiện thể thao nổi tiếng như giải cricket Ngoại hạng Anh T20 của Ấn Độ đã giúp thương hiệu của công ty này trở thành cái tên quen thuộc ở quốc gia Nam Á kể từ khi ra mắt thị trường vào năm 2012.

Công ty mẹ của Vivo là BBK Electronics cũng sở hữu thương hiệu Oppo, với các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng nổi bật như OnePlus và Realme.

Sự giám sát của Ấn Độ đối với các công ty Trung Quốc được thắt chặt sau căng thẳng ở biên giới giữa hai nước vào năm 2020. Hơn 200 ứng dụng di động, gồm cả nền tảng truyền thông xã hội TikTok, đã bị cấm kể từ đó.

Chính phủ Ấn Độ lý giải các lệnh cấm là biện pháp bảo vệ cần thiết trước các mối đe dọa đối với chủ quyền của Ấn Độ.

Hồi tháng 5, Trung Quốc cho biết vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 125 tỉ USD trong năm ngoái.

Điều này trái ngược với số liệu do New Delhi công bố, vốn cho thấy Ấn Độ đã thúc đẩy thương mại với Mỹ nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác trong năm 2021.

Hindustan Times hồi tháng 5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Triệu Lập Kiên - phản hồi về cuộc điều tra của Ấn Độ đối với hai tập đoàn ZTE và Vivo.

“Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi kiên quyết ủng hộ các công ty Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp” – ông Triệu nói.

“Phía Ấn Độ nên hành động phù hợp với luật pháp, quy định và cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ” – ông Triệu nói thêm.

Ấn Độ là nơi có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm