Tờ The Financial Times ngày 25-3 cho biết nhiều chuyên gia thuộc ĐH Oxford (Anh) đã phát đi cảnh báo dịch COVID-19 có khả năng đã lây hơn phân nửa dân số Anh, tức khoảng 33 triêu người trong năm 2020.
Cụ thể, mô hình mới nhất của nhóm nghiên cứu trên chỉ ra dịch có thể đã bắt đầu bùng phát trên diện rộng ở nước này vào khoảng giữa tháng 1. Sau hơn một tháng lây lan, bệnh nhân Anh đầu tiên nhiễm COVID-19 được ghi nhận vào cuối tháng 2.
Người dân Anh đi bộ trên đường phố thủ đô London (Ảnh chụp ngày 21-3). Ảnh: BBC
Từ tháng 1 đến nay, dịch COVID-19 hoàn toàn đủ sức lây thêm một số lượng lớn trường hợp khác, dẫn đến con số ước tính trong kịch bản xấu nhất là phân nửa dân số Anh nói trên.
"Chúng ta cần nhanh chóng tiến hành xét nghiệm hàng loạt để xác định xem Anh đang ở giai đoạn nào của dịch rồi", trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH Oxford - GS Sunetra Gupta nhấn mạnh.
Dù vậy, cũng theo bà Gupta, nếu kết quả có được công nhận thì cũng không quá đáng lo ngại do phần lớn các trường hợp nhiễm COVID-19 đều biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nói cách khác, tỉ lệ người nhiễm cần nhập viện điều trị là ít hơn một trường hợp trong 1.000 ca dương tính COVID-19 ở Anh.
Cũng cho biết thêm, nghiên cứu của ĐH Oxford dựa trên mô hình "khả năng lây nhiễm-đã lây nhiễm-phục hồi" theo dữ liệu ca nhiễm, ca tử vong từ hai nước Anh và Ý để phỏng đoán khả năng lây lan và tính chất của virus gây dich COVID-19.
Kết quả của nghiên cứu cũng được dự báo có thể làm hồi sinh chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng gây tranh cãi, vốn đã bị chính phủ Anh từ bỏ do lo ngại sẽ gây quá tải hệ thống y tế nước này.
Nếu thật sự phân nửa dân số Anh đến nay đã nhiễm COVID-19 thì miễn nhiễm cộng đồng đã được thiết lập thành công và nước này không cần phong tỏa nữa.
Dù nhiều chuyên gia vẫn còn nghi ngờ khả năng hệ miễn dịch của con người có đủ sức chống chọi với hay không, GS Sunetra Gupta tin rằng nhân loại rồi sẽ sớm miễn nhiễm với SARS-CoV-2.
Tính đến sáng 25-3, Anh ghi nhận 8.077 ca nhiễm COVID-19, 422 trường hợp tử vong.