Báo cáo mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp Việt Nam

(PLO)-Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi như là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp trước nhu cầu tác động của người tiêu dùng, người lao động và các nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo đầu tiên về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” của PwC cho thấy cách thức các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến ESG, thể hiện qua 3 vấn đề chính:

(1) 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới;

(2) Thiếu kiến thức là rào cản chính đối với các công ty chưa đặt cam kết ESG;

(3) Chỉ 29% người tham gia khảo sát tự tin về năng lực của ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến ESG. Tuy nhiên 43% chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG.

Cũng theo báo cáo này, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, đa phần (57%) các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần. Điều thú vị hơn là có 40% doanh nghiệp tư nhân, gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này đã nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế nghiệp Việt Nam và niềm tin của họ về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.

Tọa đàm với sự tham gia của các doanh nghiệp tích cực trên hành trình thực hành ESG

Tọa đàm với sự tham gia của các doanh nghiệp tích cực trên hành trình thực hành ESG

Lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (82% người tham gia khảo sát); tiếp theo là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm giữ chân người lao động, thu hút nhân tài, và cuối cùng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và chính phủ.

Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Mặc dù có cam kết nhưng kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Các doanh nghiệp hiện đang đi đúng hướng và cho thấy sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện hơn nữa trong hành trình thực hành ESG. Đặc biệt, báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của HĐQT trong việc đảm bảo ưu tiên thực hành ESG, định hướng quản lý phân bổ nguồn lực và tập trung vào những vấn đề phù hợp.

Cụ thể, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG, 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG, 35% có sự tham gia tích cực của HĐQT về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, có đến 71% ý kiến cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.

Theo kết quả khảo sát, 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG. Việc các doanh nghiệp còn e ngại có thể do có quá nhiều thông tin ESG song chưa rõ ràng. Kết quả này cho thấy cần thiết phải tiến hành các cuộc đối thoại tích cực (chủ động) giữa chính phủ Việt Nam và nhóm DNVVN vốn đang gặp phải thách thức này.

Gần 70% người tham gia khảo sát thừa nhận họ gặp khó khăn do thiếu các quy định minh bạch. Hơn một nửa (52%) nói rằng chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG còn thấp cũng là thách thức hàng đầu khi kết hợp các yếu tố ESG vào khung đánh giá rủi ro của tổ chức. Vì vậy, cần có những hướng dẫn rõ ràng, lộ trình tổng thể của quốc gia và một sân chơi bình đẳng cho các ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các chiến lược ESG.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm