Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) vừa đưa ra cảnh báo mới trong dịp cao điểm du lịch hè. Theo đó, các vụ trộm cắp trên máy bay có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong tháng 5, các tiếp viên của VNA đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều đối tượng người nước ngoài có hành vi trộm cắp trên máy bay.
Những vị khách khả nghi
Ngày 26-5, khi chuyến bay VN1341 từ Nha Trang đi TP.HCM hạ cánh, một vị khách ngồi ghế 32A đã quay được clip khách GXS (quốc tịch Trung Quốc) lấy túi xách từ khoang hành lý phía trên và lục đồ trong túi xách. Liền đó tiếp viên đã thông báo cho hành khách ghế 29G kiểm tra túi xách của mình và người này phát hiện bị mất bóp để bên trong túi xách. Vị khách này tìm một hồi thì phát hiện bóp tiền để trên một ngăn hành lý khác, bên trong có 30 triệu đồng và nhiều thẻ ngân hàng.
Sự việc được tổ bay lập biên bản có sự chứng kiến của hành khách ngồi ghế 32A và vị khách bị hại ngồi ghế 29G. Sau khi chuyển giao biên bản, đối tượng cho nhà chức trách hàng không và công an, hành khách GXS đã bị câu lưu, lấy lời khai và công an tiến hành thực hiện dựng lại hiện trường vụ việc.
Trước đó, ngày 9-5, trên chuyến bay VN630 từ Jakarta (Indonesia) đi TP.HCM, tiếp viên đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi nghi trộm cắp của một khách quốc tịch Trung Quốc ngồi ghế 12C. Khi thấy vị khách này lục hành lý khoang 37A, B, C với biểu hiện khả nghi, tiếp viên VNA đã tiếp cận và hỏi xem có vấn đề gì cần giúp đỡ. Vị khách liền giả vờ đau bụng và đi vào toilet. Chưa yên tâm, tiếp viên đã hỏi các hành khách xung quanh xem túi hành lý đó của ai, lúc đó một hành khách đã nhận hành lý của mình. May mắn khi kiểm tra hành lý chưa bị mất gì.
Ngày 8-5, khi chuyến bay VN594 TP.HCM - Hong Kong chuẩn bị hạ cánh tại Hong Kong, tiếp viên trưởng nhận được tin báo của hành khách LDK (quốc tịch Việt Nam), ngồi ghế 16B về việc mất 300 USD và 2.700 HKD. Tiếp viên trưởng đã thông báo với nhân viên sân bay địa phương và cảnh sát sân bay lên máy bay điều tra vụ việc. Có hai hành khách Việt Nam chứng kiến vụ việc đã làm chứng, khai báo chứng kiến hành khách WS (quốc tịch Trung Quốc), ngồi ghế 25C, lấy trộm tiền của hành khách LDK. Hai hành khách Việt Nam đã ghi lại hình ảnh đối tượng WS cất tiền ở túi ghế 19B. Nhân viên tổ bay đã tìm thấy số tiền 300 USD và 2.700 HKD và giao nộp cho cảnh sát sân bay để làm thủ tục bàn giao cho người bị mất cắp.
Hành khách nên để hành lý ở khoang hành lý phía trên và phía trước ghế ngồi của mình để dễ quan sát. Với hành lý có giá trị và tiền mặt hành khách không nên bỏ trong hành lý xách tay. Đồng thời hành khách nên dùng khóa để khóa túi xách, va ly nhằm hạn chế sự nhòm ngó của những đối tượng chôm đồ trên các chuyến bay. Một nữ tiếp viên kỳ cựu của Vietnam Airlines |
Đưa vào tầm ngắm
Một tiếp viên kỳ cựu của VNA cho biết thông thường các đối tượng trộm đồ để trên khoang máy bay thường đi theo nhóm 2-3 người để dễ bề tẩu tán đồ trộm được. “Các hãng hàng không đã có quy trình huấn luyện tiếp viên để đối phó với nạn lục khoang hành lý chôm đồ của khách. Những vị khách có hành vi như vậy sẽ được tiếp viên “chăm sóc đặc biệt” bằng cách đưa vào tầm ngắm suốt chuyến bay” - nữ tiếp viên này cho biết.
Cụ thể, khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ như hay di chuyển và mở khoang hành lý tìm kiếm đồ thì tiếp viên khéo léo tiếp cận hỏi xem khách cần giúp đỡ gì. Đây là phương pháp phòng ngừa ngay từ đầu, đối tượng sẽ nhụt chí từ bỏ ý định.
Còn khi hành vi trộm cắp đã xảy ra rồi, tiếp viên tìm cách thu thập chứng cứ nhanh nhất có thể như chụp ảnh, lấy thông tin từ các nhân chứng. Tiếp viên cần nhuần nhuyễn và cứng rắn trong tình huống như thế này vì những đối tượng này đi theo nhóm sẽ nhanh chóng tẩu tán tiền, vật trộm cắp. Sau khi có chứng cứ, nhân chứng, tiếp viên báo cáo vụ việc cho cơ trưởng.Cơ trưởng sẽ liên hệ báo cáo với nhà chức trách hàng không để có phương án xử lý.
Về camera quan sát, vị nữ tiếp viên cho biết thông thường các máy bay ít trang bị camera trong khoang hành khách, ngoại trừ trước cửa cabin máy bay luôn có camera an ninh hàng không theo dõi suốt chuyến bay.
Thường ra tay sau bữa ăn Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một nhà chức trách hàng không cho rằng để ngăn ngừa các vụ trộm cắp trên máy bay, không chỉ tổ bay mà hành khách cần nâng cao cảnh giác, bảo quản hành lý cẩn thận. Đồng thời, hành khách cũng cần có ý thức tố giác tội phạm, hợp tác cùng tổ bay, nhà chức trách hàng không khi được yêu cầu. Để củng cố chứng cứ là không hề đơn giản. Máy bay cũng không thể dừng lâu để thực nghiệm hiện trường, chưa kể trường hợp khách chôm đồ là người nước ngoài các bước tiến hành thu thập chứng cứ cũng phải hết sức chặt chẽ. Bởi vậy, khi phát hiện vụ việc, tiếp viên nên bình tĩnh để xử lý, thay vì nôn nóng sẽ làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn để củng cố chứng cứ. Nhà chức trách này cũng cho biết thủ đoạn của loại tội phạm hàng không này rất tinh vi, thường tranh thủ lúc khách sau khi dùng bữa thường ngủ để ra tay. |
Ảnh minh họa: P.ĐIỀN