Bộ GTVT vừa có dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và giám sát hoạt động chất vấn đối với lĩnh vực giao thông.
Vì sao Nhà nước bù tiền cho bốn dự án BOT?
Về các dự án BOT, trong báo cáo này Bộ GTVT cho biết 15/19 trạm BOT “có vấn đề” đã được khắc phục. Tuy nhiên, bốn trạm còn lại là Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm trên quốc lộ (QL) 3 đường Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm La Sơn - Túy Loan và trạm T2 hoàn vốn cho dự án BOT QL91, 91B vẫn chưa thể xử lý do tính chất đặc thù.
Theo Bộ GTVT, các trạm trên chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu. Việc này không khắc phục sớm sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo…
Vì vậy, Bộ GTVT đưa ra giải pháp nếu không thể thu phí ở trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm trên QL3 đường Thái Nguyên - Chợ Mới, bộ sẽ báo cáo Chính phủ bố trí ngân sách nhà nước để hỗ trợ, thanh toán cho nhà đầu tư. Đối với trạm T2, bộ đã thống nhất với địa phương dừng thu phí, dùng ngân sách nhà nước bố trí cho dự án. Còn trạm La Sơn - Túy Loan có thể xem xét tiến hành thu phí trở lại.
Ngày 2-7, đại diện Bộ GTVT cho biết trước đây việc đặt các trạm BOT để hoàn vốn cho dự án đều được các bộ, ngành và địa phương thống nhất. Cạnh đó, các hợp đồng BOT, Nhà nước có cam kết cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí tại các trạm này để hoàn vốn cho dự án.
Thực hiện Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát các trạm BOT có bất cập. Riêng bốn trạm nêu trên có tính chất đặc thù nên các giải pháp như giảm giá và di dời trạm đều không hiệu quả. Do đó, Bộ GTVT đang nghiên cứu theo hướng đề nghị bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Cơ sở đưa ra đề xuất này, theo Bộ GTVT, là căn cứ vào hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư. Trong thực tế, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng đã bố trí đủ nguồn vốn xây dựng các công trình dự án đưa vào vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, các trạm này chưa khắc phục được bất cập nên chưa được thu phí hoàn vốn.
“Đây là trách nhiệm thực hiện hợp đồng của Nhà nước, trong đó có nguyên nhân do bất cập của chính sách trước đây chưa lường trước được những tác động này. Do vậy, trách nhiệm của Nhà nước phải lựa chọn giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và người dân…” - đại diện Bộ GTVT lý giải.
Theo Bộ GTVT, để triển khai các giải pháp nêu trên cần có sự xem xét kỹ lưỡng và lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trạm thu phí T2 thuộc dự án BOT quốc lộ 91. Ảnh: VGP/Phan Trang
Dự án chậm cả chục năm
Đối với các tuyến đường sắt đô thị, Bộ GTVT cho hay có năm dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ.
Đơn cử như tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM làm chủ đầu tư) mới hoàn thành gói CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot... Các gói thầu khác chủ đầu tư đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (TP Hà Nội làm chủ đầu tư), tiến độ mới đạt khoảng 73% (đoạn trên cao). Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017 nhưng có thể kéo dài đến cuối năm 2022.
Về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị. Hiện dự án đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, vận hành thử và đánh giá an toàn hệ thống... Tuy nhiên, do dịch COVID-19, nhân sự của tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam. Hiện tại Bộ GTVT có văn bản gửi các bộ Y tế, Công an, LĐ-TB&XH để báo cáo, tạo điều kiện cho các nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.
Đối với đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), hiện nay Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho chủ trương triển khai dự án giai đoạn 1 và thực hiện công tác điều chỉnh giai đoạn 2A.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân các dự án này chậm tiến độ, đội vốn là do dự án có quy mô lớn, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện... Đặc biệt, tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Cạnh đó, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, những công trình này phải thực hiện xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng chậm… “Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án…” - Bộ GTVT khẳng định.
118 lần thanh tra, kiểm toán 63 dự án Theo Bộ GTVT, tính đến tháng 6, bộ có 118 lần thanh tra, kiểm toán đối với 63 dự án đang vận hành khai thác và đang triển khai đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các đơn vị tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, sai sót bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, tổ chức họp trao đổi rút kinh nghiệm giữa các phòng, ban, đơn vị. Ngoài ra còn có văn bản chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục kịp thời các sai sót, tồn tại tại các kết luận đã nêu. |