Theo đó, bộ này yêu cầu người đứng đầu các đơn vị trên thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm, quy định về đầu tư xây dựng. Quá trình thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, không để xảy ra vi phạm về chất lượng các công trình giao thông.
Cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí theo quy định. Song song đó, ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào các hoạt động đầu tư xây dựng trái pháp luật.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng được Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm. “Việc lựa chọn nhà thầu cũng cần đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, quản lý thầu phụ, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái luật…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải phối hợp kịp thời với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế và phát sinh trong quá trình thi công.
Hợp đồng tư vấn giám sát phải chặt chẽ, đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát, có chế tài xử phạt, xử lý nhà thầu khi vi phạm hợp đồng, không giám sát chặt chẽ dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo.
Đối với nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu hợp đồng xây dựng phải quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà thầu và các chế tài để xử phạt, xử lý nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ. Đồng thời xử lý nghiêm nhà thầu chuyển nhượng thầu, sử dụng nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật.