Cách kiểm soát huyết áp ổn định cho người tăng huyết áp

(PLO)- Người bệnh tăng huyết áp cần thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp ổn định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba tôi đã lớn tuổi, bị bệnh tăng huyết áp và vẫn đang điều trị, duy trì uống thuốc tại nhà. Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định? (Hoàng Huy, 46 tuổi, ngụ Cần Thơ).

Trả lời

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên trên mạch máu, mỗi lần trái tim co bóp, lượng máu sẽ được bơm vào tim và di chuyển đi nuôi cơ thể. Lượng máu đó tạo nên áp suất đè lên trên mạch máu mà chúng ta có thể đo được.

Khi một trong hai trị số là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp. Mức huyết áp 140/90 mmHg được xem là mốc huyết áp mục tiêu.

Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

tăng huyết áp - 1
Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim và nhiều biến chứng khác. Ảnh: BVCC

Chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất.

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức dưới 140/90 mmHg.

Cụ thể, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Đặc biệt, người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn... cần tái khám định kỳ các chuyên khoa để duy trì các chỉ số sức khỏe.

Nhiều người bệnh dù uống thuốc đều đặn nhưng vẫn duy trì thói quen ăn mặn, căng thẳng kéo dài, thiếu vận động... cũng sẽ khó duy trì huyết áp ở mức ổn định.

Do đó, cần duy trì chế độ ăn nhạt, hạn chế căng thẳng và các chất kích thích, tập thể dục đều đặn… để kiểm soát huyết áp hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Một trong những ưu tiên quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị, kiểm soát huyết áp là đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tăng cường nhận thức về bệnh, hiểu về mục tiêu huyết áp trong điều trị và chia sẻ với bác sĩ khi có bất thường về chỉ số huyết áp khi tự theo dõi tại nhà.

ThS-BS NGUYỄN TUẤN ANH - khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm