Ngày 28-1, Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết Trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Cát Lái vừa ngăn chặn, xử lý hai vụ khai thác thủy sản bằng hình thức đổ thuốc trừ sâu xuống sông và dùng xung điện.
Theo thông tin, khoảng 11 giờ ngày 26-1, tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn đảm trách.
Khi đến khu vực rạch Mơn, gần Cầu Cạn (thuộc khu phố Trường Lưu, phường Long Trường, TP Thủ Đức), tổ công tác phát hiện một người đàn ông điều khiển ghe không số đang có hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống rạch Mơn để đánh bắt thủy sản (tôm càng và cá).
Tổ công tác đã nhanh chóng áp sát, dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, thấy lực lượng cảnh sát đường thủy đến gần, người này hoảng sợ, nhanh chân nhảy ra khỏi ghe bỏ trốn lên đất liền.
Do thời điểm phát hiện vụ việc thủy triều đang xuống thấp, phương tiện tuần tra bị mắc cạn nên tổ công tác không thể tiếp cận, chỉ thu giữ được phương tiện và tang vật.
Cảnh sát thu giữ một can nhựa màu cam chứa khoảng hai lít nước thuốc nghi vấn thuốc là trừ sâu, khoảng 500 gr thủy sản (tôm càng xanh đã chết), ba con dao sắt dài khoảng 30 cm…
Sau khi vừa thu giữ phương tiện, tang vật của vụ việc, Tổ công tác nhận được tin báo từ người dân báo có một người sử dụng bộ kích điện đánh bắt thủy sản tại khu vực gần đó (thuộc rạch Mơn).
Qua xác minh, tiếp cận, Tổ công tác phát hiện và bắt quả tang Trần Quốc Biên (33 tuổi, tạm trú TP Thủ Đức) đang dùng xung điện đánh bắt thủy sản. Tang vật thu giữ gồm một bình ắc quy, một bộ kích điện, hai cây gỗ dài khoảng 1 m dùng để kích điện, một rọ đựng thủy sản (cá) bằng tre dài khoảng 35 cm.
Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái sau đó bàn giao người và tang vật cho Công an phường Long Trường tiếp nhận, xử lý.
Trước đó báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải phóng sự: “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm”, phản ánh tình trạng một số người đánh bắt tôm trên sông Đồng Nai đổ thuốc trừ sâu xuống sông khiến tôm nhiễm độc dạt vào bờ rồi bắt mang đi bán.
Sau khi báo đăng dư luận hết sức bức xúc về hành vi này vì không chỉ gây hại cho nguồn nước sông, nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ bị hủy hoại mà còn có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Người dân cũng đề nghị phải có chế tài xử lý mạnh hơn với những hành vi vi phạm này.