Sáng 1-8, tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Vướng hơn 300 m mặt bằng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực ĐBSCL và cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, doanh nghiệp dự án và các bên có liên quan cần thống nhất cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ công trình.
“Đặc biệt, Ngân hàng (NH) Nhà nước và các NH thương mại liên quan cần vào cuộc để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nguồn vốn tín dụng cho vay theo quy định, không để công trình thêm một lần lỗi hẹn” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Các bên đã nhất trí phải đưa dự án Trung Lương - Mỹ Thuận về đích đúng hẹn như cam kết của Thủ tướng với người dân là cuối năm 2020 thông tuyến và năm 2021 hoàn thành công trình.
Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở thống nhất giữa các bên liên quan, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên khoảng 12.500 tỉ đồng. đến ngày 15-8 sẽ trình duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Mức kinh phí này đã tăng hơn 2.833 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định 1700/2017 của Bộ GTVT.
Từ khi chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang (ngày 22-3), địa phương đã phối hợp cùng doanh nghiệp dự án trao đổi, giải quyết kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án. Các kiến nghị, đề xuất hợp lý của doanh nghiệp đã được tỉnh xem xét, giải quyết đầy đủ.
Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được phân bổ và nguồn vốn tín dụng doanh nghiệp dự án chưa được tiếp cận, UBND tỉnh Tiền Giang đã ứng trên 278 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để chi trả bồi thường cho các hộ dân. Đến nay, tỉnh đã bàn giao 50,77/51,1 km mặt bằng (đạt 99,34%). Hiện còn lại 330 m đường chưa bàn giao mặt bằng, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động người dân nhận tiền bồi thường, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CTV
Bài toán vốn sắp được giải
Để thúc đẩy tiến độ dự án, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận rất quyết tâm giải quyết các vướng mắc. Trong dự án này có vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, vốn ngân sách và vốn tín dụng. Đến nay, doanh nghiệp dự án đã giải ngân gần 2.500 tỉ đồng (vốn tự có của chủ đầu tư) để thi công dự án. Trong khi vốn hỗ trợ ngân sách nhà nước được ghi hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng và vốn tín dụng đến nay vẫn chưa được giải ngân.
2.833 tỉ đồng là số tiền dự kiến sẽ tăng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định 1700 ngày 15-6-2017 của Bộ GTVT. |
Trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và đề nghị các bộ phải khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt nguồn vốn ngân sách để có cơ sở giải ngân về cho dự án, để dự án có thể triển khai ngay trong tháng 8. Về vốn tín dụng, trong cuộc họp, NH Nhà nước cũng đã cam kết sẽ là NH đầu mối tài trợ và giải ngân sớm cho dự án.
“Sắp tới đây tỉnh Tiền Giang phê duyệt xong việc điều chỉnh dự án, chủ đầu tư sẽ cùng với tỉnh Tiền Giang làm việc ngay với NH đầu mối và NH Nhà nước để giải quyết dứt điểm nguồn vốn này. Chúng tôi sẽ đề nghị NH cho chúng tôi biết là khi nào giải ngân được để đáp ứng tiến độ” - ông Hồng cho hay.
Về vấn đề tín dụng, Bộ GTVT cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư cần mạnh mẽ mời NH Nhà nước và các NH khác để sớm thống nhất phương án tín dụng cho vay. Vốn ngân sách nhà nước 15%, nhà đầu tư 25%-30%, NH 50% .
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-7, tỉnh cùng với doanh nghiệp dự án đã thảo luận nhiều nội dung vướng mắc.
“Theo thỏa thuận tại cuộc họp, các bên thống nhất thực hiện việc ký kết phê duyệt tổng mức đầu tư dự án vào ngày 2-8. Trong tuần sau, chúng tôi sẽ làm việc với NH Nhà nước và các NH tài trợ vốn cho dự án cùng giải quyết vướng mắc lớn nhất về vốn tín dụng. Hy vọng cuộc làm việc này sẽ giải quyết được tất cả vướng mắc còn lại để đảm bảo điều kiện cho dự án về đích đúng hẹn” - ông Tuấn kỳ vọng.