Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hồi tháng 5-2017, TP.HCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, mở rộng đường Nguyễn Thị Định cùng các đường khác để tháo gỡ tình trạng ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái. Đến nay các nhà đầu tư đã trình hai phương án, song phát sinh vốn để giải tỏa mặt bằng, làm thêm đường… nên kế hoạch có thể bị kéo dài.
Mở rộng đường, cần thêm vốn
Theo Sở GTVT TP.HCM, để gỡ ùn ứ cho khu vực cảng Cát Lái trước hết phải nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến bến phà Cát Lái thuộc quận 2, dài 1,9 km. Đây là dự án đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2016. “Nay đoạn đường này ngày càng xuống cấp, không còn đáp ứng nổi lượng xe, hàng lên xuống cảng Cát Lái đang gia tăng từng ngày nên cần được đầu tư cải tạo sớm” - một chuyên viên Sở GTVT TP cho biết.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được sở này lập trước đây, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định có lộ giới quy hoạch là 60 m cho sáu làn xe cơ giới, bốn làn xe hỗn hợp, có tổng mức đầu tư hơn 1.141 tỉ đồng.
Giữa năm 2016, có các nhà đầu tư đề xuất làm cầu thay phà Cát Lái. Theo đó, mặt cắt ngang của cầu Cát Lái sẽ là 34,5 m cho sáu làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. “Một phần đường Nguyễn Thị Định có thể sẽ là đường dẫn lên xuống cầu Cát Lái nên phải được mở rộng lên 70-77 m thì mới phù hợp” - vị chuyên viên Sở GTVT TP cho biết.
Đường thêm rộng kéo theo diện tích đất, số hộ dân bị giải tỏa tăng nên số tiền đền bù giải tỏa cũng tăng thêm 302 tỉ đồng, đưa tổng mức đầu tư dự án lên thành 1.443 tỉ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỉ đồng. “Việc tăng kinh phí sẽ làm cho dự án có thể bị chậm thi công vì phải chờ thẩm định, duyệt phương án mới” - vị cán bộ nói về vướng mắc mới phát sinh.
Vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái và đường quanh khu vực cảng Cát Lái. Đồ họa: HỒ TRANG
Chưa chốt thời gian làm cầu
Đến nay có một công ty và một nhóm liên danh đưa ra hai phương án xây dựng cầu Cát Lái. Về tổng thể, cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 4,5 km, mặt cắt ngang đường là 60 m, đảm bảo sáu làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Do khu vực cảng Cát Lái là điểm tàu thuyền ra vào mỗi ngày với mật độ dày đặc, để bảo đảm cho việc quay đầu của các loại tàu thuyền, tại văn bản mới đây Sở GTVT TP xác định vị trí chân cầu sẽ cách bến phà hiện hữu (ở cả hai phía quận 2 và Nhơn Trạch) 1,2-1,7 km. Vị trí chân đường dẫn vào cầu phía Đồng Nai được xác định là cuối đường Lý Thái Tổ, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Còn điểm đầu của đường dẫn nằm phía quận 2, TP.HCM đang được tính toán. Theo đề án do một công ty đưa ra (tạm gọi phương án 1 - PV) thì sẽ phóng một con đường mới từ nút giao vòng xoay Mỹ Thủy, đi men theo rìa Khu công nghiệp Cát Lái để tiếp cận điểm đầu cầu nêu trên. Với phương án này thì việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định chỉ cần là 60 m và có thể làm sớm để giải tỏa ùn tắc cho xe lên xuống cảng Cát Lái.
Một phương án khác (phương án 2) là sử dụng đường Nguyễn Thị Định hiện hữu từ đầu nút giao Mỹ Thủy làm điểm đầu của đường dẫn lên cầu, đi khoảng 900 m đến đường D của Khu công nghiệp Cát Lái thì quẹo phải, đi tiếp một đoạn đến đường B thì quẹo trái theo đường mới để lên cầu.
Phương án 2 có ưu điểm là sử dụng một đoạn 900 m và chỉ mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên đạt 70-77 m. Đoạn Nguyễn Thị Định còn lại xuống đến phà Cát Lái dài khoảng 1 km chỉ cần nâng cấp, mở rộng lên 60 m. Nhưng phương án này sẽ làm phát sinh hàng loạt điều bất lợi, phức tạp sau: 1. Biến đoạn đường Nguyễn Thị Định nêu trên thành đường đi chung của cả xe lên xuống cảng và xe lên xuống cầu; 2. Nút giao giữa đường Nguyễn Thị Định với đường rẽ trái vào cổng C cảng Cát Lái và rẽ phải vào đường D của Khu công nghiệp Cát Lái sẽ phải trở thành một nút giao mới và làm mất tác dụng của nút giao cầu vượt - hầm chui Mỹ Thủy liền kề đang được xây dựng; 3. Phải mở rộng đường D, đường B trong Khu công nghiệp Cát Lái hiện rộng 12-15 m lên trên 60 m để đạt chuẩn của đường dẫn lên cầu nên sẽ rất tốn kém.
Được biết đến nay các nhà đầu tư tạm tính dự án cầu Cát Lái theo hợp đồng BOT kết hợp BT có hai mức đầu tư là 5.717 tỉ đồng và 4.447 tỉ đồng.
Do những phát sinh nêu trên, tại báo cáo mới đây Sở GTVT TP cho biết còn đang cập nhật các quy hoạch, dự án giao thông, hạ tầng trong khu vực để hoàn thiện cả phương án mở rộng đường Nguyễn Thị Định và phương án làm cầu Cát Lái. Như vậy, có thể nói việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định và làm đường mới lên cầu Cát Lái phải lùi thời gian do kéo dài việc thẩm định.
Sẽ đặt trạm thu phí ở phía Đồng Nai Tại văn bản giữa tháng 8-2017, Sở GTVT TP cho biết dự án sẽ làm theo phương thức BOT kết hợp với BT và khuyến nghị các nhà đầu tư nên nghiên cứu đặt trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Như vậy trạm thu phí cho cầu Cát Lái đã được đưa qua sông Nhà Bè (Đồng Nai) và chỉ cách trạm thu phí cầu Phú Mỹ chưa tới 5 km đường chim bay. Mở nhiều cửa ra vào cảng Cát Lái Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2, Sở GTVT TP), dự kiến tới đây đơn vị sẽ khởi công dự án nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến Vành đai 2 (đường Võ Chí Công hiện nay) đoạn từ nút giao Mỹ Thủy, quận 2 đến cầu Phú Hữu, quận 9. Theo đó, đoạn Vành đai 2 trên dài 5,5 km (hiện là đường song hành hai bên, lõi giữa để trống) sẽ mở rộng thêm một làn xe cho mỗi bên. Sau khi hoàn thành, toàn mặt đường mỗi bên sẽ có hai làn ô tô lưu thông và làn xe máy tách biệt bởi dải phân cách. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau chín tháng thi công với tổng kinh phí là 250 tỉ đồng. Cạnh đó, hiện Tân Cảng - Cát Lái đang phối hợp với Khu 2 nghiên cứu mở một con đường từ cổng C của cảng đi men theo rạch Bà Cua để ra cầu Bà Cua trên đường Vành đai 2. Như vậy, với việc nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định; mở rộng, cải tạo đoạn Vành đai 2 và mở đường mới từ cổng C ra… sẽ có các con đường ra vào cảng Cát Lái bằng nhiều cửa. Từ đó sẽ cứu được khu vực cổng cảng Cát Lái khỏi tình trạng ùn tắc như hiện nay. Theo UBND TP.HCM, việc sớm đầu tư xây dựng công trình cầu Cát Lái sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng theo tác động tương hỗ với sự phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực; kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái. Đồng thời từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông của khu vực nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. |