Chuyển công an nhiều vụ sai phạm đất đai ở Phú Quốc

(PLO)- Đó là 10 hồ sơ xét duyệt nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu tại xã Cửa Cạn và ba vụ việc sai phạm trong quản lý để việc bao chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất Nhà nước quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có Kết luận thanh tra trách nhiệm việc quản lý, xử lý các vi phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc.

Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm

Theo kết quả thanh tra, UBND TP Phú Quốc đã thực hiện các chỉ tiêu giảm đất nông nghiệp, tăng đất phi nông nghiệp và giảm đất chưa sử dụng chưa đạt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Cạnh đó, UBND các xã, phường cũng đã không lập báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm là chưa đúng theo Luật Đất đai năm 2013.

Thời gian gần đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ công tác đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai trên địa bàn TP Phú Quốc. Ảnh: TUẤN THY

Thời gian gần đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ công tác đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai trên địa bàn TP Phú Quốc. Ảnh: TUẤN THY

Đối với công tác thu hồi đất để thực hiện dự án, đoàn thanh tra xác định việc thực hiện thu hồi đất còn chậm; trình tự tiến hành thu hồi đất chưa đảm bảo trong thời hạn và chưa đảm bảo theo quy định.

Về công tác quản lý, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), UBND tám xã, phường chưa kịp thời cập nhật, chỉnh lý thông tin biến động thửa đất, chủ sử dụng, mục đích sử dụng đất trên hồ sơ địa chính bản giấy. Trong thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận QSDĐ, từ năm 2018 đến nay có hơn 1.000 hồ sơ trễ hạn so với thời gian quy định.

“Việc UBND xã Cửa Cạn xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất. Cấp giấy chứng nhận QSDĐ 10 hồ sơ xin cấp của cá nhân, trong đó có năm hồ sơ đã được UBND TP cấp giấy là vi phạm Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ” - Kết luận thanh tra thể hiện.

Qua thanh tra thực tế, đoàn cũng xác định UBND hai phường An Thới, Dương Đông cùng bốn xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và Dương Tơ đã thực hiện trách nhiệm quản lý đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn chưa chặt chẽ, có biểu hiện buông lỏng quản lý. Từ đó, để xảy ra 744 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng quan tâm, UBND phường An Thới đã tự ý cho tám hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích hơn 800m2 đất do Nhà nước quản lý; cho bốn hộ dân mượn hơn 2.300m2 đất. Cạnh đó, Ban Thường vụ phường chấp thuận chủ trương giao 220m2 đất cho hai hộ gia đình cán bộ, công chức phường không đúng thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai.

Đoàn thanh tra cũng xác định một số UBND các xã, phường còn buông lỏng quản lý quy hoạch sử dụng đất, từ đó, đã hình thành 202 khu phân lô bán nền xây dựng nhà ở tự phát với diện tích gần 30ha.

Qua kiểm tra thực tế 67/202 khu, đoàn phát hiện có 333 căn nhà xây dựng kiên cố đang tồn tại và xây dựng nhà ở tự phát nhưng không được xử lý kịp thời, kiên quyết. Ngoài ra, UBND xã Gành Dầu và hai phường An Thới, Dương Đông đã không kịp thời phát hiện, xử lý đối với 39/49 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm về xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích.

“UBND các xã, phường và Hạt Kiểm lâm TP chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, để 385 trường hợp vi phạm đất rừng, trong đó có trường hợp vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng; nhưng chưa tiến hành lập đầy đủ hồ sơ xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định” - Bản kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kiên Giang nêu.

Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kiên Giang xác định Chủ tịch UBND TP Phú Quốc giai đoạn từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2022 phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Ảnh: CHÂU ANH

Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kiên Giang xác định Chủ tịch UBND TP Phú Quốc giai đoạn từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2022 phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Ảnh: CHÂU ANH

Trong bản kết luận của đoàn thanh tra cũng cho thấy Vườn Quốc gia Phú Quốc đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng đất được Nhà nước giao. Cụ thể, từ năm 2001-2021, đơn vị đã không chủ động kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất, dẫn đến hiện có hơn 1.000 ha đất rừng đặc dụng có người đang sử dụng. Thế nhưng Vườn Quốc gia Phú Quốc không xác định được quá trình sử dụng, diện tích, thời điểm sử dụng đất của từng hộ dân.

Cạnh đó, chưa kiên quyết tổ chức thực hiện và để tồn đọng 55 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đơn vị đã sử dụng 12 ha đất ngoài quy hoạch đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ để góp vốn liên kết, là chưa đúng với Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, công tác phối hợp với UBND các xã, phường trong việc xử lý các hành vi vi phạm đối với đất rừng chưa tốt. Từ đó, để tình trạng người dân xây dựng nhà ở diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa phối hợp xử lý dứt điểm.

Chuyển công an điều tra nhiều vụ việc

Từ kết quả thanh tra, UBND tỉnh Kiên Giang xác định các tập thể gồm UBND TP Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Hạt Kiểm lâm TP, BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, Phòng TN&MT TP, đội kiểm tra trật tự đô thị TP, Chi nhánh Văn phòng đăng ký QSDĐ, cùng UBND các xã, phường An Thới, Dương Đông, Gành Dầu, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Hàm Ninh và Bãi Thơm chịu trách nhiệm trong việc đã để xảy ra các vi phạm, hạn chế.

Về trách nhiệm cá nhân, UBND tỉnh Kiên Giang xác định Chủ tịch UBND TP Phú Quốc giai đoạn từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2022 phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Còn các Phó Chủ tịch UBND TP giai đoạn này chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực được phân công phụ trách nhưng để xảy ra vi phạm.

Cạnh đó, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP, Trưởng phòng TN&MT TP, Đội trưởng đội kiểm tra trật tự đô thị TP, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND, công chức Địa chính - Xây dựng tám xã phường nêu trên phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu.

Qua đó, UBND tỉnh Kiên Giang giao các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức và có hình thức xử lý nghiêm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để tiến hành điều tra nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đó là 10 hồ sơ xét duyệt nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu tại xã Cửa Cạn và ba vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai để việc bao chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất Nhà nước quản lý.

Từ năm 2018 đến tháng 6-2022, UBND TP Phú Quốc đã ban hành 1.255 Quyết định thu hồi đất để thực hiện 34 dự án, với tổng diện tích hơn 252 ha. Trong đó, đã tổ chức thực hiện 891 Quyết định với diện tích 183,8 ha; còn lại 364 Quyết định với diện tích 68,52 ha chưa tổ chức thu hồi.

Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ bị thu hồi đất có khiếu nại, mặt khác do nguồn gốc đất đai tại Phú Quốc phức tạp, do đó, UBND TP thận trọng chưa tổ chức thực hiện thu hồi đất để giữ hiện trạng nhằm phục vụ cho công tác thẩm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm