Còn đâu tiếng hò sông Hậu…

Tiếng vọng cổ buồn đêm sương vắng như buồn càng buồn thêm không khí của nông dân miền Nam lúc này.

Đâu rồi tiếng hò, lời ca vui thu gặt ngày mùa trong lời bài hát Tiếng sông Cửu Long (Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương): Đây miền Nam/ Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ/ Nước xanh xanh lơ bóng in cây dừa/ Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long/ Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống/ Một sáng em ra khơi Vĩnh Long vui cười/ Và Cần Thơ, Long Xuyên lừng hương cau lúa chín/ Đời vươn lên thuyền ghé bến/ Sống no nê dân quê một miền/ Kìa nắng thương dân đây nắng khô đồng lầy/ Chiều chiều tới. Hò lơ hò lơ, hò là hò lơ/ Chẻ tre bện sáo cho dày ơ băng ngang sông Mỹ có ngày gặp em.

Còn đâu tiếng hò sông Hậu vui tươi khi dân đang thiếu nước, thiếu cả miếng ăn vì đang đối diện hạn hán và nhiễm mặn khốc liệt được truyền tải liên tục làm lòng người Sài Gòn thắc thỏm. Đọc trên báo chí những ngày qua, người TP thấy rõ ĐBSCL đang bị nước mặn xâm nhập nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua làm đất đai bị mặn hóa. Thảm họa này ngày càng gia tăng bởi tác động kép của biến đổi khí hậu do nước biển dâng cao và do việc tích nước hàng loạt tại đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia lân cận ở thượng nguồn, làm giảm cao độ mực nước hệ thống sông Cửu Long vào mùa khô. Thời vua Nguyễn, hệ thống kinh vùng tứ giác Long Xuyên được xây dựng với mục đích thoát lũ, ngọt hóa, lưu thông, chinh phục được những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn biến thành những miệt vườn trù phú. Hệ thống kênh Phụng Hiệp, kênh xáng Cà No được xây dựng từ thời Pháp thuộc với chức năng ngọt hóa, khẩn hoang vùng đất nhiễm mặn của bán đảo Cà Mau thành vùng đất màu mỡ cả trăm năm qua. Giờ đây thì ngược lại, hệ thống kênh rạch này bị nước biển đang xâm nhập mặn lan tỏa hầu hết khắp khu vực, biến đất đai tại đây thành đất bị thấm mặn. Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Đất khô cằn lên sỏi đá. Cây chết khô, lại còn có hiện tượng heo ở Mỏ Cày (Bến Tre) chết do uống nước nhiễm mặn.

Tiếng hò sông Hậu ngày nay chỉ là câu thơ buồn vương vất kiếp người rồi mai đây chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu, khi cuộc sống của họ bị đảo lộn chưa từng thấy. Bao nhiêu người trước kia đã là dân nhập cư TP, bao nhiêu cô gái Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang đã là những cô thợ may hay buôn gánh bán bưng chờ đợi ngày về thăm quê nhưng quê ơi, tiếng kêu chừng nghe như nhiễm cả cuộc sống của những người thân sắp “chạy mặn” từng ngày.

 Người Sài Gòn với trái tim nồng cháy, không bị “nhiễm mặn” của thói ích kỷ chỉ biết “chết sống mặc bay” đang đau đáu nhìn hình ảnh người dân miền Tây phải vét từng giọt nước ngọt, hình ảnh vườn cây ăn trái đang khô héo trong nhiễm mặn…

Các báo, các nơi, những con người đang bắt đầu cuộc vận động chia sẻ giúp đỡ đồng bào miền Tây vùng hạn và mặn. Của ít lòng nhiều, yêu thương da diết, máu chảy từng khúc ruột mềm quặn đau… Người TP ơi, hãy chia sẻ và cưu mang thêm nữa cuộc sống những người đã làm nên hạt gạo, con cá, trái cây tươi cho chúng ta để ta còn nghe được tiếng hò hân hoan trên sông Tiền, sông Hậu, trên dòng Cửu Long chở đầy nước ngọt phù sa…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm