“Chính phủ đánh giá sự lãng phí, quan liêu, tham nhũng khá mờ nhạt. Tôi thấy có những vụ chỉ bắt trộm hai con vịt thôi đã bị phạt tù trong khi có những đơn vị thua lỗ, nợ đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại không ai bị kỷ luật cả. Như thế dân không hài lòng đâu!”.
“Dân không bằng lòng đâu” cũng là ý kiến của đại biểu Ngô Minh Hồng, khi bà nhắc đến trường hợp Vinashin và báo cáo Chính phủ cho rằng tuy có sai sót, có kiểm điểm nhưng chưa đến mức kỷ luật: “Nói thế cử tri không bằng lòng! Một tập đoàn nắm giữ tài sản của Nhà nước, nhân dân như thế rồi nợ nần, tái cơ cấu tốn kém bao nhiêu để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay…”(Pháp Luật TP.HCM)
Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, ai phải chịu hình thức kỷ luật nào và ai là người phải đứng ra nói lời xin lỗi với dân, từ bấy nay vẫn là mong muốn và thậm chí yêu cầu của dân được biết những điều đó. Thế nhưng các câu hỏi trên - đơn giản và đương nhiên phải có câu trả lời rành rọt - thì lại dường như bất khả, phần vì lý do... cơ chế.
Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, trong nhiều trường hợp, khó có thể đòi hỏi hoặc “buộc” cơ quan hành pháp có những động thái khiến “dân hài lòng”.
Như thế dễ hiểu là khả năng giám sát của Quốc hội chưa cao, chưa tạo được “uy” đối với cơ quan hành pháp, như phàn nàn của đại biểu Hà Công Long được Dân Trí ghi lại: Cả nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm một cá nhân nào, cũng chưa bao giờ đưa ra được những phán quyết mạnh mẽ như buộc chấm dứt, tạm đình chỉ vấn đề gì!
MÕ