Đảo chính Niger: Người ủng hộ quân đội kéo đến căn cứ Pháp; quốc tế lo sự an toàn của Tổng thống bị lật đổ

(PLO)- Hàng nghìn người ủng hộ lực lượng đảo chính Niger kéo đến căn cứ Pháp biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp tại nước này, trong khi đó cộng đồng quốc tế quan ngại tình hình tổng thống bị lật đổ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng nghìn người ủng hộ chính quyền quân sự Niger kéo đến gần một căn cứ quân sự Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey, biểu tình phản đối Pháp và tổ chức Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Trong khi đó, quốc tế ngày càng lo ngại về sự an toàn của ông Mohamed Bazoum - Tổng thống dân cử của Niger bị chính quyền quân sự lật đổ và giam giữ từ hôm 26-7.

Phản đối Pháp, chỉ trích ECOWAS

Gần một căn cứ quân sự của Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey (Niger) ngày 11-8, người biểu tình mang cờ Niger và Nga, hô hào ủng hộ Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính, đồng thời hô lớn khẩu hiệu “đả đảo Pháp, đả đảo ECOWAS”, theo hãng tin AFP.

“Chúng tôi sẽ khiến Pháp rời đi! ECOWAS không còn độc lập và đang bị Pháp thao túng” - một người biểu tình tên Aziz Rabeh Ali nhấn mạnh.

Những người ủng hộ chính quyền quân sự Niger biểu tình gần một căn cứ quân sự Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey, hôm 11-8. Ảnh: AFP

Những người ủng hộ chính quyền quân sự Niger biểu tình gần một căn cứ quân sự Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey, hôm 11-8. Ảnh: AFP

Hiện Pháp đang duy trì 1.500 quân nhân tại Niger. Tuần trước, chính quyền quân sự Niger tuyên bố hủy bỏ các thỏa thuận quốc phòng với Pháp, trong khi đó, một cuộc biểu tình cuối tháng 7 trước đại sứ quán Pháp ở Niamey cũng khiến Paris phải sơ tán công dân.

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS họp thượng đỉnh và ra lệnh “triển khai Lực lượng dự phòng ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger”.

Tuy nhiên ECOWAS không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về Lực lượng dự phòng hoặc khung thời gian hành động, trong khi nhấn mạnh tổ chức vẫn muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Niger.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin quân đội khu vực cho biết các lãnh đạo quân đội ECOWAS sẽ gặp nhau tại thủ đô Accra (Ghana) hôm 12-8.

Ngày 10-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington “đánh giá cao quyết tâm của ECOWAS trong việc nghiên cứu tất cả các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger một cách hòa bình".

Bộ Ngoại giao Nga cũng ủng hộ nỗ lực hòa giải của ECOWAS, song phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger vì điều này có thể gây bất ổn cho Niger và khu vực, hãng Reuters đưa tin ngày 11-8.

Trong khi đó, Pháp bày tỏ ủng hộ các quyết định ECOWAS công bố trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 10-8 nhưng Paris không đưa ra bất kỳ sự ủng hộ cụ thể nào đối với trường hợp ECOWAS can thiệp vào Niger.

Chính quyền quân sự Niger chưa đưa ra phản ứng về khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS nhưng trước đó nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi đối thoại, thậm chí còn công bố danh sách nội các chính phủ mới.

Quốc tế quan ngại về tình hình ông Bazoum

Hôm 11-8, nhiều quốc gia và tổ chức lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình hiện tại của ông Mohamed Bazoum.

“Theo thông tin mới nhất, ông Bazoum và gia đình không có thức ăn, điện và thuốc men trong nhiều ngày qua” - Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell cho hay.

Ông Mohamed Bazoum tham gia Diễn đàn Hòa bình, An ninh và Quản trị trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi năm 2022 tại Washington (Mỹ). Ảnh: Evelyn Hockstein/REUTERS
Ông Mohamed Bazoum tham gia Diễn đàn Hòa bình, An ninh và Quản trị trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi năm 2022 tại Washington (Mỹ). Ảnh: Evelyn Hockstein/REUTERS

Liên minh châu Phi (AU) nhấn mạnh “việc đối xử với một tổng thống dân cử như vậy là không thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo rằng “những kẻ đảo chính sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nếu có bất cứ điều gì xảy ra" với ông Bazoum hoặc gia đình của ông ấy.

Đầu tuần này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết đã liên lạc với ông Bazoum và vị Tổng thống bị lật đổ mô tả cách chính quyền quân sự đối xử với ông, vợ và con trai 20 tuổi là “vô nhân đạo và tàn nhẫn".“

"Tôi không được phép gặp các thành viên gia đình hoặc bạn bè của tôi khi họ mang thức ăn và các nhu yếu phẩm cho chúng tôi” - HRW dẫn lời ông Bazoum.

Ông Bazoum cũng nói với HRW rằng con trai của ông lên cơn đau tim nặng, tuy nhiên phe đảo chính không cho con trai của ông được điều trị y tế.

Trước đó, trong một tuyên bố ngày 10-8 đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ buộc chính quyền quân sự Niger chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông Bazoum, gia đình ông và các thành viên chính phủ hiện đang bị phe đảo chính giam giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm