Đạt được giải pháp chính trị ở Ukraine

Thông cáo ghi nhận ba điểm gồm bầu cử tổng thống trước thời hạn, áp dụng trở lại hiến pháp 2004 (giảm quyền hạn tổng thống, tăng quyền hạn chính phủ và Quốc hội) và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Đây là các nhượng bộ đạt được trong cuộc đàm phán giữa tổng thống Ukraine, ba ngoại trưởng châu Âu (Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski), Nga và phe đối lập.

Reuters ghi nhận cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm 20-2 đã tạm ngưng một lúc vào sáng 21-2, sau đó tiếp tục trước buổi trưa cùng ngày.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu ngã về phe đối lập Ukraine và đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp cấm vận đối với các nhà lãnh đạo Ukraine trong khi Nga mong muốn chính phủ Ukraine nhanh chóng ổn định tình hình vì đang có âm mưu lật đổ chính quyền.

Lốp xe dùng để lập phòng tuyến lửa trên quảng trường Độc Lập. Ảnh: WASHINGTON POST

Hôm 20-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Obama. Sau đó, Đức ra thông cáo cho biết ba bên đều mong muốn một giải pháp chính trị nhanh nhất có thể để giải quyết khủng hoảng Ukraine và chấm dứt đổ máu.

Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố chính phủ Ukraine phải hoạt động hiệu quả và hợp pháp chứ đừng để người ta sử dụng như tấm thảm lau chân. Ông kêu gọi Ukraine phải tập trung bảo vệ các lực lượng an ninh đang bảo vệ lợi ích quốc gia và nhân dân.

Ông khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với đối tác Ukraine trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi sẽ làm hết sức để thực hiện các cam kết nhưng đối tác của chúng tôi phải vững mạnh”.

Trả lời đài phát thanh Tiếng vọng Moscow (Nga), người phát ngôn của tổng thống Nga tuyên bố Nga sẽ thực hiện các cam kết với Ukraine sau khi tình hình đã trở lại bình thường ở Ukraine. Điều này có thể hiểu Nga tạm dừng cấp khoản vay thứ hai 15 tỉ USD để chờ Ukraine ổn định tình hình.

Đây là lần đầu tiên Nga trực tiếp đưa ra điều kiện liên quan đến tiền vay cấp cho Ukraine.

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin ngày 21-2, Bộ Nội vụ Ukraine thông báo lúc 10 giờ 30, những người biểu tình đã vi phạm lệnh hưu chiến, nổ súng bắn vào cảnh sát ở Kiev. Bộ Nội vụ đã yêu cầu dừng ngay các hoạt động tội phạm.

Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết cấm tiến hành chiến dịch chống khủng bố do Cục An ninh và trung tâm Chống khủng bố phát động hôm 19-2. Nghị quyết cũng cấm quân đội tham gia chiến dịch chống khủng bố và đưa quân trở về doanh trại ngay.

Ngày 21-2, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Yuri Dumansky thông báo đã gửi thư từ chức. Ông cho biết quân đội đang can dự vào xung đột dân sự và điều này không thể chấp nhận được vì có thể dẫn đến thương vong thêm nữa.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên án việc gây đổ máu ở Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine không can dự vào khủng hoảng chính trị. Ông cho biết NATO sẽ đặt lại vấn đề hợp tác với Ukraine nếu quân đội can thiệp chống lại phe đối lập. Ông nhấn mạnh đàm phán là con đường duy nhất để đạt đến giải pháp hòa bình ở Ukraine.

HOÀNG DUY

 

Ngày 21-2, người phát ngôn của Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton cho biết các tổ công tác đã bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Ukraine. Người phát ngôn cho biết việc thực hiện các biện pháp trừng phạt còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình ở Ukraine. Các biện pháp dự kiến gồm phong tỏa tài khoản và không cấp thị thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm