Đi máy bay, đừng dại dột đùa có bom, mìn

Như Pháp Luật TP.HCMđã thông tin, ngày 23-7, TAND TP Hà Nội đã phạt Hồ Thị Thanh Tuyền 15 tháng tù treo, buộc bồi thường 100 triệu đồng về tội cản trở giao thông đường không. Vì lời nói đùa có bom lúc ở trên máy bay của Tuyền mà chuyến bay bị hoãn để kiểm tra an ninh nên bị chậm trễ 3 giờ so với lịch trình. Ngoài ra, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng phải dừng ba chuyến bay khác để đảm bảo an ninh. Tổng thiệt hại trong vụ này là hơn 304 triệu đồng.

Từng xử nhiều vụ

Đây không phải là lần đầu tiên hành khách đi máy bay bị kết án về tội cản trở giao thông đường không vì nói đùa có bom, mìn trên máy bay.

Tháng 3-2007, TAND TP Hà Nội đã phạt Lâm Tấn Ngạn 12 tháng tù treo. Theo hồ sơ, tháng 10-2006, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM, khi tiếp viên đậy nắp khoang để hành lý thì Ngạn nói trong hành lý của mình có lựu đạn. Sau đó, chuyến bay này cũng phải hoãn 3 tiếng để kiểm tra an ninh, gây thiệt hại cho Vietnam Airlines gần 310 triệu đồng.

Một tháng sau, TAND TP Hà Nội đã phạt NTS 10 tháng cải tạo không giam giữ và buộc bồi thường gần 240 triệu đồng cho Vietnam Airlines. Nguyên vào tháng 8-2006, trên chuyến bay từ Nội Bài đi Cam Ranh, S. xách theo một valy đựng quần áo, khi một người đi cùng hỏi sao không gửi thì ông này trả lời: “Trong hành lý có bom, phải mang theo người không nhỡ mất thì chết…”. Lúc này, một nữ tiếp viên nghe thấy nên đã báo cáo cho cơ trưởng, chuyến bay cũng bị hoãn kiểm tra và hơn 3 tiếng sau mới khởi hành được.

Đi máy bay, đừng dại dột đùa có bom, mìn ảnh 1

Không chỉ hành vi nói đùa, có người gửi tin nhắn mang nội dung dọa dẫm có bom, mìn trên máy bay cũng bị kết án về tội cản trở giao thông đường không. Cụ thể, tháng 7-2011, TAND TP Hà Nội đã phạt Nguyễn Bằng Việt (nguyên nhân viên Vietnam Airlines) 15 tháng tù và buộc bồi thường hơn 200 triệu đồng. Do nhiều lần bổ sung tiếp viên bay không đúng tuyến, Việt bị cấp trên khiển trách nên có ý định trả thù. Ngày 9-11-2010, trước giờ bay của Vietnam Airlines lịch trình từ Hà Nội đi Campuchia, Việt viết tin nhắn nội dung: "Chuyến bay VN 845 được thông báo có hành khách mang bom, đề nghị kiểm tra an ninh" gửi đến máy điện thoại của trực ban Trung tâm khai thác Nội Bài. Hậu quả là chuyến bay bị dừng, 180 hành khách phải sơ tán, hơn 3 tiếng sau mới khởi hành được. Lúc này, hai hành khách người nước ngoài đã từ chối đi tiếp vì lo sợ.

Vì sao chỉ nói đùa mà lại thành nghiêm trọng?

Ngoài các trường hợp bị kết án trên, đến nay cũng còn vài hành khách khác bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì nói đùa có bom, mìn trên máy bay.

Sau các vụ việc này, có bạn đọc thắc mắc: Tại sao chỉ là lời nói đùa mà hậu quả lại thành ra nghiêm trọng như vậy? Liệu có cần thiết phải hoãn cả chuyến bay để kiểm tra an ninh đến mấy tiếng đồng hồ? Cơ quan chức năng có nên xử lý linh hoạt hơn, chẳng hạn chỉ kiểm tra hành lý của người nói đùa, nếu thấy không có gì thì cho máy bay tiếp tục khởi hành? Trường hợp nào thì người nói đùa bị phạt hành chính, trường hợp nào bị khởi tố?

Chúng tôi đã trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam. Ông Thanh cho biết: Khi hành khách nói đùa có bom, mìn trên chuyến bay, cơ quan chức năng buộc phải dừng chuyến bay và kiểm tra an ninh toàn bộ từ máy bay đến hành lý, hành khách, thậm chí cả sân bay và những chuyến bay khác. Đây là tiêu chuẩn tối thiểu của an ninh hàng không. Nó không phải do Hàng không Việt Nam tự đặt ra mà đó là tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO). Theo đó, khi có nguồn thông tin đe dọa đến an toàn của chuyến bay, đặc biệt là thông tin về bom, mìn thì buộc phải dừng chuyến bay lại để kiểm tra toàn bộ bất kể nguồn tin đó xuất phát từ đâu, tính chất, mức độ như thế nào, nguồn gốc thông tin ra sao…

Theo ông Thanh, khi phải dừng cả một chuyến bay như vậy, các đơn vị khai thác phải chịu thiệt hại rất lớn, chưa kể đến những thiệt hại của những người liên quan. Do đó, hành vi nói đùa có bom, mìn trên máy bay đã cấu thành tội cản trở giao thông đường không theo Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phân định từng trường hợp nhất định dựa theo tính chất vi phạm, mức độ thiệt hại để cân nhắc khi xử lý. Chẳng hạn, khi hành khách nói đùa có bom, mìn tại địa điểm kiểm tra an ninh thì chỉ kiểm tra hành lý, thân thể ngay tại chỗ. Trường hợp này có thể chỉ xử phạt hành chính vì mức độ thiệt hại chưa lớn. Tuy nhiên, nếu hành khách đã ngồi trên máy bay mà nói đùa có bom, mìn thì cơ quan chức năng buộc phải hoãn chuyến bay, thực hiện các bước kiểm tra toàn diện. Do mức độ thiệt hại lớn, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng nên thông thường người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Ông Thanh cho biết thêm: Hoạt động của Hàng không dân dụng Việt Nam chịu sự giám sát của ICAO. Nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn do ICAO đặt ra thì sẽ xảy ra những hệ lụy như máy bay của Việt Nam sẽ không thể bay các chuyến quốc tế hoặc máy bay của các nước khác cũng không được đến Việt Nam.

Gây thiệt hại nghiêm trọng: Phải khởi tố!

Trong vụ án hình sự mới nhất là vụ của bị cáo Hồ Thị Thanh Tuyền, có luật sư cho rằng tòa xét xử thiếu khách quan, hành vi nói đùa có bom, mìn trên máy bay không cấu thành tội phạm bởi chỉ nói miệng, không gây hậu quả, “nói đùa thì không có tội”…

Theo ông Thanh, tòa xét xử bị cáo Tuyền về tội cản trở giao thông đường không là hoàn toàn chính xác. “Trong vòng ba năm qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền để khách hàng có thể nắm được những quy định về an toàn, an ninh hàng không. Những bản án như thế này chính là biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ nhất để ngăn chặn vi phạm từ các hành khách khác” - ông Thanh nhấn mạnh.

Về chuyện này, chúng tôi cũng đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), do tính chất an ninh nghiêm ngặt nên hoạt động của ngành hàng không được coi là một khách thể đặc biệt. Những hành khách đi trên máy bay cũng không là ngoại lệ, cũng được bảo vệ đặc biệt. Do đó, việc nói có bom, mìn, dù chỉ nói đùa nhưng khi trên máy bay thì nó lại xâm hại đến trật tự quản lý hàng không, gây cản trở giao thông hàng không. Bởi lẽ với trách nhiệm của mình, với các quy định an ninh chặt chẽ, ngành hàng không phải cho dừng chuyến bay, kiểm tra an ninh, di dời hành khách, hoãn các chuyến bay khác, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của họ. Như vậy, không thể nói rằng chỉ nói đùa thì không gây hậu quả gì. Lúc này, tùy mức độ thiệt hại của ngành hàng không mà người nói đùa sẽ bị xử lý hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng tình, Thẩm phán Hoàng Văn Hải (Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) bổ sung: Việc hành khách nói đùa có bom, mìn trên máy bay không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho hãng hàng không mà còn gây tổn hại về tinh thần cho hành khách đi cùng chuyến do bị hoang mang về tâm lý khi phải di dời khỏi máy bay. Thực tế, đã có nhiều người lo sợ nên từ chối đi tiếp, đòi hãng hàng không trả lại tiền vé dù sau khi kiểm tra xác định không có bom, mìn. Lúc này uy tín của hãng hàng không sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, hành vi này phải bị xử lý nghiêm, còn hành chính hay hình sự thì còn tùy vào từng trường hợp cụ thể theo hướng nếu gây thiệt hại nhẹ thì hành chính, gây thiệt hại nghiêm trọng thì hình sự.

Tăng mức phạt?

Theo Điều 190 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, việc nói đùa có bom, mìn trên máy bay được xem là can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, có khả năng uy hiếp an toàn hoạt động hàng không dân dụng.

Theo Điều 12 Nghị định số 60/2010 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng), người nói đùa có bom, mìn trên máy bay bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, ngoài ra còn có thể bị ngành hàng không từ chối vận chuyển và buộc phải khắc phục hậu quả gây ra.

Theo Điều 217 BLHS, người nói đùa có bom, mìn trên máy bay mà gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người khác bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm...

Dù pháp luật đã có những quy định như trên, thực tiễn cũng có nhiều hành khách thiếu ý thức bị xử lý nhưng những vụ việc đáng tiếc tương tự vẫn xảy ra. Vì vậy, tại Hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (tháng 11-2011), ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đã đề nghị sửa luật theo hướng tăng mức xử phạt với các hành vi phạm về an ninh hàng không.

Một số vụ bị phạt hành chính

- Tháng 12-2011, Chánh Thanh tra Bộ GTVT đã quyết định xử phạt vận động viên Cao Hồng Sơn (Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam) 20 triệu đồng vì một câu nói đùa có bom trên máy bay khiến cả chuyến bay bị hoãn. Hôm đó, ông Sơn từ Hà Nội vào TP.HCM để cùng Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam sang Indonesia dự Para Games 2011 trên chuyên cơ Vietnam Airlines. Trước giờ máy bay cất cánh, ông Sơn nói đùa có bom nên đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, có xác nhận làm chứng của trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Chuyến bay bị chậm 40 phút để kiểm tra an ninh, riêng ông Sơn bị từ chối vận chuyển.

- Tháng 8-2011, Phòng Bảo vệ an ninh Kinh tế Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ Cẩm Phả, Quảng Ninh) 10 triệu đồng. Khi chuẩn bị lên máy bay tại sân bay Cát Bi, ông Tuấn nói có mang bom trong hành lý. Ngay lập tức, các nhân viên an ninh đã giữ ông Tuấn và phong tỏa toàn bộ khu vực phòng chờ để kiểm tra. Sự việc khiến chuyến bay bị hoãn, một chuyến khác cũng bị chậm trễ 20 phút.

THANH TÙNG - THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm