Theo phương án tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng của UBND tỉnh Quảng Ninh, người tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng không bị mất phí đường bộ bởi dự án này có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, song sẽ mất phí cầu Bạch Đằng vì cây cầu này được đầu tư theo hình thức BOT.
Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng sẽ thông xe ngày 1-9.
Trạm thu phí cầu Bạch Đằng sẽ đặt ở ở lý trình km 20+660, gồm tám làn xe; trong đó có hai làn (hai bên dải phân cách giữa) sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, bốn làn ở giữa tiếp theo sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng kết hợp với một dừng và hai làn thu phí ngoài cùng sử dụng công nghệ thu phí một dừng.
Các phương tiện chỉ được phép chạy với tốc độ tối đa là 80 km/giờ cho cả hai làn xe chạy trên mỗi hướng đi, tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ.
Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe được quy định là 55 m đối với tốc độ 80 km/giờ và 35 m đối với tốc độ từ trên 60 km/giờ.
Dự án cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng có tổng chiều dài toàn tuyến 25,2 km với vận tốc thiết kế toàn tuyến là 100 km/giờ. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-Ttg ngày 1/3/2016.
Tổng mức đầu tư của hai dự án là 13.693 tỉ đồng; trong đó dự án đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng là 6.416 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng là 7.277 tỉ đồng gồm vốn ngân sách 488 tỉ đồng (giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn) và vốn nhà đầu tư là 6.789 tỉ đồng (theo hình thức BOT).
Dự kiến lễ khánh thành đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng diễn ra vào 9 giờ 30 phút ngày 1-9, thời gian chính thức đưa công trình vào khai thác vào lúc 13 giờ cùng ngày.